Đánh giá việc thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ GD&ĐT cho biết:
Rà soát, điều chỉnh mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 ; chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, thiết thực ở các cấp học; xây dựng và ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Ở phổ thông, đã ban hành Chương trình tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) theo hướng phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh… Các ngoại ngữ khác (ngoài tiếng Anh) đã được quan tâm với chương trình 7 năm. Tính đến năm học 2017 - 2018, chương trình tiếng Anh 10 năm đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, với trên 90% học sinh các lớp 3, 4, 5 và khoảng 40% trong đó học từ 4 tiết/tuần trở lên.
Đối với giáo dục đại học, Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ngoại ngữ tăng cường; xây dựng, ban hành Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh chất lượng cao và một số chương trình đào tạo chuyên ngành khác, được thí điểm dạy bằng tiếng Anh.
Nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tổ chức hoạt động dạy, học ngoại ngữ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh, sinh viên tham gia như các cuộc thi Olympic tiếng Anh, các câu lạc bộ ngoại ngữ, các sân chơi chuyên môn.
Đối với giáo dục nghề nghiệp: Tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành và giới thiệu trên website của Bộ GDĐT các chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh; chương trình thí điểm đào tạo tiếng Anh tăng cường cho một số chuyên ngành.