Nỗ lực vươn tầm quốc tế

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện, những năm qua, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Kết quả đổi mới không chỉ nâng cao chất lượng các cấp, bậc học mà còn từng bước khẳng định vị trí, uy tín của giáo dục và đào tạo Việt Nam qua các cuộc thi cũng như đánh giá xếp hạng quốc tế.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Kết quả cao trong các kỳ thi Ô-lim-pích

Một trong những vấn đề nổi bật trong quá trình đổi mới chính là sự tham gia và những đánh giá, ghi nhận của quốc tế đối với giáo dục và đào tạo nước ta. Ngành giáo dục tổ chức định kỳ đánh giá diện rộng quốc gia về kết quả học tập lớp 5, lớp 9 và lớp 11, tham gia một số chương trình đánh giá quốc tế về học sinh phổ thông (như PISA 2012 và 2015, SEA-PLM 2017, IGRA 2014, PASEC 10, TIMSS 2011...). Chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được cải thiện, nâng cao; học sinh lứa tuổi 15 vượt mức trung bình của học sinh các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong hai hệ thống giáo dục ấn tượng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế 5 năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước. Trước năm 2011, số học sinh đoạt giải không ổn định, hoặc có số huy chương vàng, bạc chiếm tỷ lệ thấp (Sinh học, Tin học), nhưng đến nay đã được khắc phục. Một số đội tuyển dự thi Ô-lim-pích vươn lên nhanh chóng, có thành tích ổn định, đoạt nhiều giải cao và xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (đội tuyển Toán, Hóa học, Vật lý và Tin học). Nhiều học sinh xuất sắc, đoạt hai huy chương vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa) trong kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế. Từ năm 2014 đến 2018, các đội tuyển Ô-lim-pích đã đoạt 187 giải thưởng các loại, trong đó có 60 huy chương vàng.

Riêng năm 2018, tất cả 38 lượt học sinh thuộc bảy đội tuyển tham dự Ô-lim-pích khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương gồm: 13 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 11 huy chương đồng. Trong đó, em Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đoạt huy chương vàng và cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất tại kỳ thi Ô-lim-pích Sinh học quốc tế năm 2018. TS Lê Bá Khánh Trình (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nhiều năm làm trưởng, phó đoàn Việt Nam tham dự Ô-lim-pích Toán học quốc tế chia sẻ: So với 10 năm trước, đội tuyển Ô-lim-pích Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, luôn giữ ở tốp 10 quốc gia có thành tích tốt nhất. Các đội tuyển ngày càng được lựa chọn, đào tạo, tập huấn bài bản. Đội tuyển tham dự các kỳ thi được bạn bè quốc tế đánh giá cao về truyền thống, năng lực, kiến thức...

Ngoài các kỳ thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế truyền thống, đội tuyển học sinh Việt Nam còn đạt thành tích cao ở các cuộc thi quốc tế nhằm phát triển khả năng, thiết lập môi trường học thuật và phát huy sự sáng tạo, phát triển nghiên cứu cho học sinh tiểu học... Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Ô-lim-pích Toán và Khoa học quốc tế, năm 2018 (IMSO 2018) dành cho học sinh dưới 13 tuổi đạt thành tích cao. Toàn bộ 23 học sinh tham dự đều đoạt giải gồm: Tám huy chương vàng, 10 huy chương bạc và năm huy chương đồng. Trong đó, đội tuyển dự thi môn Toán có 12 em, đoạt bốn huy chương vàng, tám huy chương bạc; đội tuyển khoa học gồm 11 em, đoạt bốn huy chương vàng, hai huy chương bạc và năm huy chương đồng.

Chuẩn hóa, hội nhập trong đào tạo

Không chỉ trong giáo dục phổ thông, giáo dục đại học Việt Nam cũng từng bước khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hai năm gần đây, số lượng cơ sở giáo dục đại học (ĐH) phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: CDIO, POHE, chương trình tiên tiến, chương trình PFIEV, chương trình chất lượng cao và các chương trình liên kết quốc tế khác ngày càng tăng. Cả nước có 104 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); hai chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ, Hoa Kỳ (ABET); sáu chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP).

Đáng chú ý, trước năm 2016, chỉ có hai đến ba trường ĐH của Việt Nam được vào danh sách trường ĐH hàng đầu châu Á. Đến nay, số trường ngày càng tăng. Theo bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu châu Á của tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS), ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 139; ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xếp thứ 142; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 291 đến 300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301 đến 350 và ĐH Huế thuộc nhóm 351 đến 400. Đối với bảng xếp hạng thế giới của QS có hai ĐH của Việt Nam nằm trong tốp 1.000 trường tốt nhất, trong đó ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong nhóm 701 đến 750; ĐH Quốc gia Hà Nội trong nhóm 801 đến 1.000…

GS, TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, kết quả đánh giá xếp hạng cho thấy chất lượng, uy tín đào tạo và nghiên cứu của hai đại học quốc gia đã hội nhập vươn ra xa ở tầm thế giới; được các nhà khoa học và nhà tuyển dụng trên thế giới biết đến. Đáng chú ý, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã được trích dẫn cao hơn và có tầm ảnh hưởng rộng hơn.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, chất lượng giáo dục ĐH và uy tín quốc tế là hai trong nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH. Nếu chất lượng giáo dục là sự bảo đảm các yếu tố, quy trình và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu giáo dục cũng như cam kết của trường thì uy tín, sự thừa nhận quốc tế thể hiện qua vị trí xếp hạng quốc tế. Các trường ĐH được xếp hạng châu Á và thế giới sẽ thúc đẩy giáo dục đại học vươn ra khu vực và thế giới.

Theo Nhân dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.