Đảm bảo nội dung chương trình
Nội dung chương trình ôn thi THPT quốc gia sẽ gồm kiến thức khối 10, 11 và 12. Khối lượng kiến thức sẽ tăng dần, đề thi dàn trải vào nội dung toàn cấp THPT. Chính vì thế, qua mỗi năm giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị nội dung, chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu năm. Nhà trường cũng chủ động được về điều kiện ôn thi, chủ động phổ biến quy chế thi và tổ chức định hướng sớm cho các em kể cả những em học sinh đầu cấp THPT.
Tùy theo tình hình thực tế năng lực học sinh mà mỗi đơn vị trường uyển chuyển phương pháp ôn tập. Tập trung triển khai những phương pháp hiệu quả cao mà có thể hệ thống được căn bản lượng kiến thức. Đi sâu vào phân tích từng dạng đề thi thử để sàng lọc đối tượng học sinh, có những hướng bồi dưỡng phụ đạo nhiều hơn.
Để công tác ôn tập đạt hiệu quả, các trường áp dụng hình thức học và ôn “cuốn chiếu”. Sau khi kết thúc bài học nào sẽ cho các em hoàn thành chương trình bao gồm dạng bài học và dạng bài tập của bài đó. Vừa tổ chức cho học sinh lớp 12 học chính khóa, kết hợp với những buổi học phụ đạo hệ thống kiến thức của lớp 11 và lớp 12.
Lượng kiến thức tăng đòi hỏi cả giáo viên và học sinh phải nỗ lực, nhất là ở việc kết hợp chương trình 2 khối lớp khi kiến thức dàn trải nội dung chương trình học của lớp 11 và lớp 12. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ việc nắm quy chế thi từ trước nên thầy trò chuẩn bị tâm lý khá tốt. Giờ chỉ còn tập trung vào hoàn thành chương trình lớp 12 và bước vào thời gian ôn tập cho Kỳ thi THPT quốc gia.
Thầy Trần Minh Hậu - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) - cho biết: “Nội dung chương trình ôn thi gồm cả 2 khối cuối cấp nên lượng thời gian đảm bảo hoàn thành nội dung ôn.
Để thực hiện tốt công tác ôn tập bao hàm kiến thức của lớp 11 và 12, đầu năm học nhà trường đã cho giáo viên và học sinh củng cố chương trình lớp 11 với việc học chính khóa 12. Song song đó vừa học chương trình lớp 12 tới đâu tiến hành ôn tập những bài học trước để khi bước vào giai đoạn ôn cơ bản các em đã hệ thống được kiến thức cho mình”.
Linh hoạt trong ôn tập
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chương trình học lớp 12 gồm 37 tuần được kết thúc vào khoảng tháng 3 và trễ nhất là cuối tháng 4/2018. Đặc thù nội dung ôn tập thi THPT quốc gia năm nay “gánh” cả chương trình lớp 11 nên sau tuần 37 sẽ là khoảng thời gian để các trường tăng tốc cho kế hoạch ôn tập cụ thể.
Chính vì thế, cả thầy và trò phải linh hoạt về phương pháp ôn tập và bố trí thời gian hợp lý. Tận dụng thời gian để giải quyết nội dung lớp 12 mà cũng để lồng ghép chương trình lớp 11. Tùy điều kiện, các trường tiến hành cho học sinh lớp 12 học 2 buổi/ngày với buổi sáng học chính khóa, buổi chiều dạy phụ đạo củng cố kiến thức. Tập trung trọng tâm kiến thức của 2 khối, hạn chế tình trạng học lệch, học tủ.
Thời điểm cuối tháng 3, nhiều trường THPT bắt đầu hoàn thành chương trình lớp 12, tiến tới tổ chức thi kết thúc chương trình. Đây cũng là thời gian chạy nước rút khi tháng 4 các em phải bước vào thời gian ôn tập và hoàn thành việc đăng ký thi THPT quốc gia, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Sau khi kết thúc chương trình, học sinh lớp 12 sẽ trải qua 10 tuần ôn tập tập trung đến ngày 25/6 sẽ bước vào làm bài thi đầu tiên của Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Như vậy hệ thống lại kiến thức của 2 khối đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức đủ cho nội dung chương trình khá áp lực so với năm 2017. Để tiếp cận tốt, các trường xây dựng phương án ôn tập từ cơ bản đến nâng cao, lượng kiến thức được đưa vào ôn tập cũng phải cân nhắc kỹ.
Cô Lê Thị Hồng Ba - Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), nhấn mạnh: “Đối với chương trình ôn tập thi THPT quốc gia năm nay, nhà trường có bước phổ biến quy chế thi cho các em HS nắm rõ.
Năm nay chương trình bao gồm cả nội dung lớp 11 thì nhà trường phối hợp với giáo viên phụ trách bộ môn linh hoạt mọi phương pháp ôn tập cho các em về nội dung của lớp 11 và lớp 12. Từ đầu năm học, trường đã lên phương án chuẩn bị nội dung ôn tập đến 10 tuần, sẽ tăng tốc hệ thống kiến thức căn bản vào giải bài tập vận dụng”.