Đặc biệt là thiếu SGK với các đầu sách theo chương trình mới. Như ở TPHCM, thống kê sau 1 tuần vào học, còn khoảng 7.000 học sinh chưa có SGK, đều ở khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Không chỉ thiếu SGK chương trình mới, nhiều nơi học sinh còn thiếu cả SGK chương trình cũ. Năm học 2022 - 2023 là năm cuối cùng sử dụng SGK các lớp 4, 8 và 11 theo chương trình hiện hành, nên các đại lý, cửa hàng bán lẻ không tiếp tục nhập hàng tại thời điểm khai giảng để tránh tồn kho dẫn tới phải huỷ bỏ. Vì thế, nhiều học sinh ở các khối lớp này thiếu vài đầu sách, tìm mua không có. Trên các diễn đàn, câu chuyện tìm mua SGK cho con của nhiều cha mẹ đến thời điểm này vẫn còn nóng.
Thiếu SGK cho năm học mới có nhiều nguyên nhân. Năm nay, việc công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, đối với lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên tên sách và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của các em tại từng nhà trường, địa phương.
Về phía các nhà xuất bản cũng có tình trạng sản xuất cầm chừng. Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm đầu năm học không đủ tiền mua SGK cho con… Thiếu SGK đã và đang gây ra nhiều khó khăn, phụ huynh phải vất vả kiếm tìm, giáo viên và học sinh không thuận tiện trong dạy học, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình mới.
Khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu SGK gây ra, các nhà trường và giáo viên đã chủ động nhiều giải pháp, để bảo đảm tiến độ và chất lượng dạy học. Đến nay, một số nhà xuất bản, bên cạnh sách in truyền thống còn công khai cả bản điện tử. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có trang Hành trang số (https://hanhtrangso.nxbgd.vn), trên đó số hóa tất cả SGK, sách bài tập đi kèm.
Vì thế, ngành Giáo dục các địa phương đã hướng dẫn giáo viên, học sinh, phụ huynh có thể sử dụng nội dung SGK điện tử như sách giấy. Giáo viên sử dụng SGK điện tử để trình chiếu hoặc photo tạm phát cho học sinh một số bài học đến khi SGK về đủ. Tại TPHCM, khắc phục thiếu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10, sở GD&ĐT thực hiện phương án nhà trường cung cấp file SGK để học sinh tham gia các hoạt động học tập trong năm học mới. Song song với sử dụng SGK điện tử, trong lúc chờ cung ứng đủ, các nhà trường và giáo viên đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tủ sách dùng chung, đẩy mạnh phong trào tặng SGK cũ, xã hội hóa việc chăm lo sách cho trò.
Đặc biệt, trong Chương trình GDPT 2018, SGK không còn là “pháp lệnh”, duy nhất, mà chỉ là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy học. Chương trình mới cho phép giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong SGK, các tài liệu bên ngoài hay bộ sách khác.
Được tập huấn kỹ lưỡng, đã tiếp cận nhiều bản mẫu SGK, vì thế, giáo viên đã chủ động thực hiện nguyên tắc bám sát chương trình, sử dụng nhiều ngữ liệu, tài liệu khác nhau, phát huy sự chủ động để xây dựng bài giảng sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế học sinh đang thiếu sách, bảo đảm kế hoạch và chất lượng dạy học.
Nhờ sự chủ động, nỗ lực của nhà trường và giáo viên, đến thời điểm này, dù thiếu SGK cục bộ ở nơi này, nơi kia nhưng học sinh vẫn được học các môn bình thường, không có chuyện “dạy chay, học chay” hay tạm dừng dạy học. Tuy vậy, cũng không nên để tình trạng thiếu SGK kéo dài, gây khó khăn cho việc triển khai chương trình mới. Đẩy nhanh tiến độ cung ứng sách vẫn là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, buộc các nhà xuất bản, công ty thiết bị trường học phải vào cuộc nhanh, quyết liệt hơn.