Đây vừa là cơ hội, cũng là động lực để gia tăng chất và lượng trong tiếp cận, đào tạo giáo dục đại học.
Thích ứng và linh hoạt trong đào tạo
Nghị quyết Đại hội XIII xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đây được coi là chìa khóa để thúc đẩy năng suất, duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất.
Chia sẻ thông tin, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - cho rằng, nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, giáo dục nghề nghiệp là giải pháp hữu hiệu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho cơ sở giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực đào tạo khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe, luật, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, bám sát Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh, giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo kỳ vọng của xã hội. Nhưng nguồn nhân lực mà các trường đại học phải cung cấp cho xã hội và tiêu chí đánh giá chất lượng hiện nay đã khác trước. Không phải cơ sở từ trước tới nay đã đào tạo giỏi, đào tạo chất lượng cao thì bây giờ vẫn vậy.
Sau đại dịch Covid-19, thay đổi về nhu cầu công việc bắt buộc các trường đại học phải thích ứng, có những ngành nghề trước đây là thế mạnh của nhà trường nhưng hiện không còn phù hợp. Cần biến đổi, ứng phó từ phía nhà trường và linh hoạt cả về chất lượng đào tạo của sinh viên. Sinh viên không phải cứ học một nghề là suốt đời làm nghề đó. Do vậy, người học phải được đào tạo về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng để 5 – 10 năm sau có thể làm nghề khác. Đây là thách thức với các cơ sở giáo dục.
Cũng theo bà Hoa, bài toán mà các trường đại học đối mặt trong bối cảnh này là phải tự làm mới mình. Nếu trước đây, chúng ta lấy truyền thống là sức mạnh, thì bây giờ phải thay đổi từ cách nhìn, cách tiếp cận. Có những lúc truyền thống là sức mạnh nhưng cũng có thể là lực cản. Đơn vị nào chớp được thời cơ, đón đầu được xu thế, đơn vị đó sẽ có ưu thế.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: HVCC |
Động lực gia tăng chất và lượng
GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Văn phòng Chính phủ - cho hay, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao càng tăng. Đây là cơ hội lớn để các cơ sở giáo dục đại học đón đầu xu thế nhằm gia tăng chất lượng và số lượng trong tiếp cận, đào tạo giáo dục đại học. Nếu các đơn vị đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, có thể khởi nghiệp thành công, chắc chắn giáo dục đại học sẽ phát triển.
Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học phải đổi mới, nếu không người khác sẽ vượt qua. Khó nhất là đổi mới về đào tạo, làm thế nào để hấp dẫn xã hội, để các trường tuyển sinh tốt và sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước… Đây là thách thức và là nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng trường. Nhiệm vụ cũng như trách nhiệm lớn nhất của Hội đồng trường là có quyết sách để nhà trường biết phải đổi mới những gì, đồng thời tạo điều kiện cho đổi mới cũng như quản lý được sự đổi mới đó.
Ngoài nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nhìn nhận, hợp tác quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, chuyển đổi số, giáo dục đại học số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển giáo dục đại học mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.
Cùng đó, tự chủ đại học ngày càng trở thành thuộc tính căn bản của hệ thống giáo dục đại học và phát huy hiệu lực, hiệu quả gia tăng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và tự chủ đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, để nắm bắt những cơ hội này, các trường đại học cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tự chủ, năng lực quản trị đại học cho đội ngũ cán bộ quản lý. Mặt khác, rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo; trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo cũng như quy mô đào tạo.
Ngoài ra, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với quy mô và yêu cầu thực tiễn như định hướng phát triển của cơ sở đào tạo. Các trường cần chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát triển chương trình, dự án có chất lượng với đối tác nước ngoài. Đồng thời, rà soát chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định. Mặt khác, đẩy mạnh thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
“Theo tôi, xây dựng chiến lược phát triển là chính sách quan trọng nhất. Điều đó sẽ hiện thực hóa tầm nhìn, thực hiện sứ mệnh của nhà trường đối với xã hội và thúc đẩy các giá trị văn hóa của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường”. - GS.TSKH Đặng Ứng Vận