Chống tảo hôn nơi địa đầu Tổ quốc

GD&TĐ - Tình trạng tảo hôn ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) những năm gần đây giảm đáng kể. Kết quả này là sự nỗ lực, chung tay của các cấp chính quyền, ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho dân.

Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã giảm. Ảnh: Nguyễn Phi.
Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã giảm. Ảnh: Nguyễn Phi.

Nâng cao nhận thức người dân

Trong căn nhà lụp xụp, dưới chân thung lũng sâu hun hút, em Sùng Mý Cho, 17 tuổi, xã Pải Lủng (Mèo Vạc - Hà Giang) đang ôm con gái nhỏ mới vài tháng tuổi. Giống như nhiều trường hợp khác, em lấy chồng từ khi còn là học sinh.

Cho chia sẻ: Em yêu chồng từ năm học lớp 7. Lên lớp 8 em có thai, sau đó phải bỏ học giữa chừng để về nhà chồng.

Ông Lý Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, cho biết: Đây là trường hợp điển hình về tảo hôn trên địa bàn. Khi sinh con, Cho mượn thẻ bảo hiểm y tế của chị dâu đi sinh con ở bệnh viện để tránh bị chính quyền phát hiện.

Cũng theo ông Đông, những năm gần đây, tình trạng học sinh (HS) bỏ học để tảo hôn đã giảm đáng kể, nhờ vào công tác tuyên truyền hiệu quả.

Chị Hoàng Thị Xuân - Cán bộ Tư pháp xã Pả Vi (Mèo Vạc - Hà Giang) cho hay: Những năm trước, tình trạng tảo hôn của xã không hiếm gặp, năm nhiều nhất có 10 trường hợp. Nhưng năm nay, giảm xuống còn 4 trường hợp.

Trong quá trình làm công tác tuyên truyền, vận động, chị Xuân gặp phải những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Người dân vi phạm, nhưng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.

Chị nhớ lại: Có trường hợp công dân của xã mình lấy vợ ở xã bên, vì cô gái là HS, chưa đủ tuổi kết hôn, tôi đã phối hợp với nhà trường, tới gia đình để vận động. Tới nơi, nữ sinh này nhảy xuống một bể nước. Mặc cho chúng tôi ở trên cố gắng thuyết phục, cô gái vẫn ngoan cố không lên.

Cuối cùng, phải nhờ lực lượng công an khiêng nữ sinh lên để bàn giao cho gia đình. Bố mẹ cô bé tỏ ý không đồng tình, bắt đền cán bộ vì sợ con mình sau này không lấy được chồng.

Theo chị Xuân, những trường hợp khi bắt vợ về chưa được cúng lễ, rất dễ vận động, nhưng trường hợp sau 3 ngày, gia đình nhà trai đã tổ chức cúng lễ cho cô gái làm “ma” nhà mình sẽ khó thuyết phục.

Đặc biệt, khi cô gái đã có bầu thì càng khó. Có trường hợp đã giải quyết xong, nhưng sau đó cô gái lại trốn về nhà bạn trai để chung sống. Thậm chí, nhiều cặp trốn sang Trung Quốc để tránh chính quyền.

Thượng tá Cao Văn Toản - Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: Năm ngoái, trên địa bàn huyện có khoảng 160 cặp tảo hôn, năm nay giảm xuống còn 50 - 60 cặp.

Tình trạng tảo hôn diễn ra chủ yếu vào sau dịp Tết. Nhiều trường hợp các cháu gái đang là HS đã bị kéo về làm vợ. Sau khi nắm bắt tình hình, cán bộ, thầy cô xuống tận nơi tuyên truyền, vận động để người dân tự chấm dứt hành vi, đồng thời sử dụng biện pháp hành chính, hương ước, trục xuất ra khỏi nơi cư trú…

“Tháng 11/2020, Công an huyện Mèo Vạc đã khởi tố vụ án hình sự hiếp dâm người dưới 16 tuổi, xảy ra ở xã Cán Su Phìn. Một nữ sinh đang học lớp 7, mới 12 tuổi 11 tháng 28 ngày, bị một đối tượng kéo về làm vợ.

Sau khi phát hiện, mẹ của nữ sinh đã lên công an trình báo sự việc. Nhận thức của người dân còn hạn chế, việc tuyên truyền pháp luật gặp nhiều khó khăn, từ đó rất dễ vi phạm pháp luật, trong đó có tảo hôn. Hy vọng, khi lực lượng công an chính quy về cơ sở phối hợp cùng với các cơ quan, ban ngành, tình trạng tảo hôn sẽ không còn” - Thượng tá Toản nói.

Tảo hôn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế… của người dân. Ảnh: Hùng Anh.

Tảo hôn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế… của người dân. Ảnh: Hùng Anh.

Nỗ lực của nhà trường

Cô Trần Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Pả Vi (Mèo Vạc – Hà Giang), thông tin: Năm học 2020 – 2021, trường đã vận động thành công trường hợp nữ sinh lớp 9 tảo hôn quay trở lại học.

“Nhà trường và các cấp chính quyền luôn trăn trở vấn đề tảo hôn, bởi ảnh hưởng lớn đến sự phát triển con người, kinh tế. Nhiều em phải nghỉ giữa chừng, sinh con, đói nghèo như một vòng luẩn quẩn. Vào các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp… thầy cô vẫn thường xuyên phổ biến cho HS nắm được hậu quả của tảo hôn” - cô Thanh chia sẻ.

Theo cô Lê Thị Kim Tho – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Su Phì (huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang), tình trạng tảo hôn chủ yếu diễn ra với HS lớp 8 - lớp 9. Năm học 2020 – 2021, trường có 5 trường hợp HS tảo hôn, nhưng vận động quay trở lại trường học được 4 trường hợp.

“Khi phát hiện HS nghỉ học, các thầy cô và cán bộ xã sẽ tới nhà để vận động, giúp các em hiểu được hệ lụy khi bỏ học lấy chồng sớm. Ngoài ra, trường còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của HS và phụ huynh. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại trường tiểu học và THCS để tuyên truyền sâu rộng về tác hại của tảo hôn... nhờ vậy mà tình trạng tảo hôn đã giảm” - cô Lê Thị Kim Tho cho hay.

Tảo hôn gây ra nhiều hậu quả lâu dài về nòi giống, kinh tế…  Vì thế, hàng năm Phòng GD&ĐT Mèo Vạc luôn chỉ đạo các trường chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản đến HS, phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.