Vùng cao nhức nhối nạn tảo hôn

GD&TĐ - Trong lần tìm hiểu thực tế ở huyện Sìn Hồ - tỉnh Lai Châu, tôi bắt gặp những “ông bố, bà mẹ trẻ con, dắt con xuống chợ”. Đó là những thanh niên chẳng được học hành tử tế, chỉ cần hai bên gia đình “ưng cái bụng” là cưới nhau. 
Vùng cao nhức nhối nạn tảo hôn

Thậm chí, người bố ở hai bên gặp nhau ngoài chợ, uống với nhau dăm chén rượu, thế là hứa gả con cho nhau. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã trở thành những “vấn nạn” ở vùng cao, vùng sâu xa; nảy sinh biết bao nghịch cảnh trớ trêu với những hệ lụy đau lòng.

Nhức nhối tình trạng tảo hôn

Tôi hỏi chuyện em Sùng Thị D., người thuộc xã X.D.P. (gần trung tâm thị trấn Sìn Hồ) trong phiên chợ cuối tuần.

D. học hết lớp 7, còn chồng cô là Giàng A S. học hết lớp 9. Chẳng quen biết, chẳng yêu nhau, chỉ thấy một hôm hai bên gia đình gặp nhau nói chuyện, thế là quyết định ngày cưới. Cạnh xã X.D.P. là xã T.P. nổi tiếng với người phụ nữ tên Chẻo Mí O. O. cưới chồng năm 15 tuổi, khi 22 tuổi, cô đã sở hữu 5 đứa con và trở thành một trong những người trẻ tuổi sinh nhiều con nhất ở Sìn Hồ.

Qua hỏi chuyện, được biết, chồng O. quanh năm đi làm quần quật cùng các anh chị ở trên nương và dường như chỉ có mỗi cái thú là làm cho vợ đẻ (!?) Khi đứa con trước còn đỏ hỏn thì đứa con sau đã chuẩn bị chào đời. Cái đói, cái nghèo cứ quấn riết lấy những mảnh đời là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, nạn tảo hôn. “Em gặp anh ấy một lần ở chợ phiên, nói chuyện hợp thì cưới thôi. Ở đây, lớn rồi mà không có người yêu, không có chồng thì coi như ế, xấu hổ lắm!”, O. tâm sự.

Theo thống kê của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Lai Châu thì khoảng hơn 35% số cặp vợ chồng kết hôn ở vùng dân tộc thiểu số thuộc tình trạng tảo hôn. Không ít người kết hôn cận huyết. Số cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn tại UBND xã chỉ chiếm rất ít. Còn lại chưa đủ tuổi nên cán bộ tư pháp xã không làm đăng ký, nên họ sẽ không đến nữa mà cứ cưới theo lệ làng lệ bản. Việc tuyên truyền cũng vô cùng khó khăn, bởi ngay cả con của một số cán bộ xã cũng tảo hôn, vi phạm.

Về điều này, bà Tẩn Mý San, Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Sìn Hồ cho biết: “Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền vận động nhưng để thay đổi nhận thức của bà con là vô cùng khó khăn. Có khi đến nhà họ nói chuyện, họ nói rằng chúng tôi nói đúng, họ sẽ sửa. Sau khi chúng tôi về, lại đâu vào đấy cả. Nhiều cặp 7 năm sau mới đi đăng ký kết hôn, nhiều cặp chẳng cần đăng ký và cũng không đi làm giấy khai sinh cho con”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Nhưng đó vẫn chưa phải tột cùng của nghịch cảnh. Những nỗi đau, di chứng nhãn tiền đã diễn ra từ nhiều cặp vừa tảo hôn, vừa cận huyết thống. Nào là con cô lấy con cậu, chú lấy cháu, con bác lấy con em…

Nhiều người vùng cao như Lào Cai, Hà Giang, Lai châu, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum… coi hôn nhân cận huyết thống là cách để giữ gìn của nả, để vợ chồng thương nhau mãi, gìn giữ hạnh phúc và đôi khi còn để giấu giếm những bí kíp làm ăn. Hôn nhân cận huyết thống từ lâu đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, vận động, có nơi giảm, nơi tăng và hằng ngày vẫn diễn ra những bi kịch. Đứa trẻ được sinh ra từ những cuộc hôn nhân này, đầu tiên là còi cọc, sức đề kháng kém và dễ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, tan máu bẩm sinh…

Nếu để nói đến những hậu quả đau lòng từ hôn nhân cận huyết thống, thì xã B.L (huyện Bắc Hà - Lào Cai) là một điển hình. Trước đây, khi công tác tuyên truyền còn hạn chế, đời sống cư dân quá nghèo, thanh niên nam nữ trẻ cứ sau mỗi mùa hội, mùa lên rẫy, gặp nhau ưng mắt là về cưới, không cần biết đã đủ tuổi chưa, hoặc họ hàng lấy nhau sẽ xảy ra hậu quả gì. Phải đến năm 2010, một số huyện ở Lào Cai, trong đó có Bắc Hà mới vào cuộc quyết liệt, “Chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bài trừ một số hủ tục”, nhưng hiệu quả chưa cao...

Cuộc sống của người vùng cao, vùng sâu xa vẫn quá khổ. Trong các bản làng vẫn nhan nhản những ngôi nhà gỗ ọp ẹp, gió lùa qua phên nứa. Trong nhà chẳng có gì ngoài mấy chiếc nồi méo mó đen sì ở góc bếp, một góc là giường ngủ, một góc quây mấy con gà, con vịt. Có hộ vẫn phơi phân trâu ngay trong nhà, tất cả tạo nên một không khí xám xịt, một cảnh đời tối tăm. Đâu phải hộ nào cũng có cái tivi, cái đài, tờ báo… Sống thiếu thốn như thế, thử hỏi làm sao họ không tảo hôn. Có khi, các cô gái đi lấy chồng, chỉ nghĩ sẽ được ăn ngon hơn, thay đổi không gian trong một ngôi nhà khác, khá hơn.

Nhưng họ chỉ chuốc lấy thất vọng, bởi sau đó là tiếp nối những chuỗi ngày vất vả. Và như thế, họ luôn luôn có quan điểm phản kháng lại các quy định pháp luật. Họ nghĩ rằng họ đang làm chủ chính cuộc sống họ. Các quy định không, hoặc ít bám được rễ trong đời sống của những người còn suy nghĩ quá lạc hậu này.

Người ta vẫn tìm thấy những cuộc đời thật đẹp, những bản nhạc tuyệt hay trên đường đi chợ phiên của người vùng cao. Người ta cũng tìm thấy những tấm áo sặc sỡ sắc màu của thiếu nữ gói gém biết bao nhiêu hy vọng vào tương lai mới, khi đến tuổi lấy chồng. Nhưng trong màn sương trùng trùng của núi, trong màu xanh miên man của đại ngàn vẫn có những số phận không thể nào có điều kiện sống một cuộc sống khấm khá. Những nốt nhạc trầm buồn vẫn vang xa. Những tiếng khóc trẻ thơ đói khổ thiệt thòi vẫn làm nhói lòng khách dưới xuôi lên. Bao giờ cảnh đó giảm, phải đợi chờ vào nhận thức mới của người dân, cộng với sự hỗ trợ, vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành.

Ảnh minh họa ITN.

Chim họa mi vẫn hót

GD&TĐ - Nó chạy thục mạng từ trong ngõ ra. Cái xe máy vừa lao đánh vèo qua trước mặt, xém chút nữa người nó chẳng còn nguyên vẹn.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong một giờ học ở phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Dốc sức cho 'học kỳ 3'

GD&TĐ - Từ đầu tháng 6, hàng loạt trường đại học (ĐH) bắt đầu tổ chức học kỳ 3 (thường gọi là học kỳ hè) cho sinh viên có nhu cầu học lại, học vượt.
Huấn luyện viên Carlo Ancelotti.

Real Madrid: 'Chậm chân là… chết'

GD&TĐ - Thua Man City ở bán kết Champions League và sự trỗi dậy của đế chế Barcelona tại La Liga buộc Real Madrid phải đẩy nhanh quá trình tái thiết.
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại ngày hội "Sinh viên và doanh nghiệp năm 2023" tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM.

Sinh viên tìm việc trong dịp hè

GD&TĐ - Hàng trăm sinh viên tìm hiểu thông tin, cọ xát thực tế tại các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm việc làm, cơ hội thực tập trong hè.
Một sinh viên đang hái lượm hoa oải hương khuôn viên Đại học Colorado ở Boulder. Ảnh: Ethan Welty, Atlasobscura.com

Hái lượm ở… đô thị

GD&TĐ - Thành phố là nơi chẳng có gì miễn phí nhưng, nếu những cây xanh cũng là cây ăn được thì sao?