Chống 'sốc' cho tân sinh viên

GD&TĐ - Bước vào giảng đường đại học, một số tân sinh viên bị “ngợp” hoặc vẫn muốn “xả hơi” một thời gian. 

Nguyễn Tống Bảo Minh (ở giữa hàng thứ nhất), tham gia một cuộc thi ở trường. Ảnh: NVCC
Nguyễn Tống Bảo Minh (ở giữa hàng thứ nhất), tham gia một cuộc thi ở trường. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã khiến cho nhiều em bỏ qua giai đoạn khởi đầu quan trọng, dẫn đến mất phương hướng trong những năm tiếp theo.

Không chủ quan

Các trường đại học, cao đẳng ngoài chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn thì hoạt động phong trào đoàn – hội, câu lạc bộ cũng được đẩy mạnh nhằm giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm, năng động hơn. Đặc biệt, tân sinh viên khi tham gia các câu lạc bộ sẽ sớm hòa đồng với môi trường mới, học hỏi được kinh nghiệm. Ngoài ra, việc tham gia tuần sinh hoạt công dân đầu khóa rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian để những học sinh vừa rời ghế nhà trường làm quen với giảng đường, bạn bè, thầy cô và những yêu cầu của chương trình học, nội quy nhà trường, ký túc xá…

Theo chia sẻ của Nguyễn Tống Bảo Minh, thủ khoa đầu ra xuất sắc Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2022, chuyển môi trường học tập từ phổ thông lên đại học, tân sinh viên cần chú ý đến phương pháp học, đặc biệt, tập trung cao độ nghe giảng, dành thời gian tự học, nghiên cứu. Bởi vì học sinh phổ thông thường được thầy cô, gia đình kèm cặp, thúc giục nhưng môi trường đại học yêu cầu các em phải tự lập, tự học cao.

Giống như nhiều bạn, khi mới vào năm thứ nhất, Minh khá bỡ ngỡ và “choáng” với lượng kiến thức trong một tiết học. Để khắc phục những khó khăn ban đầu, nam sinh xác định phải học nghiêm túc, thường xuyên học hỏi từ anh chị, bạn bè, thầy cô tại môi trường mới.

“Từ trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng tân sinh viên nên có tâm thế, thái độ học tập nghiêm túc. Hiện vẫn còn tình trạng sau thời gian ôn tập vất vả của lớp 12, nhiều tân sinh viên có xu hướng xả hơi mà quên rằng việc học giai đoạn đầu rất quan trọng để hoạch định phương pháp, định hướng cho bản thân trong quá trình học đại học. Do đó, tâm thế học tập nghiêm túc là điều quan trọng mà tân sinh viên cần chuẩn bị”, Bảo Minh nói.

Nguyễn Thị Thu Nga (sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Y Hà Nội, từng giành Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2021) chia sẻ: Sau khi vào học tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngoài chú trọng vào kiến thức, bài học trên giảng đường, tôi còn tham gia câu lạc bộ võ Karate shortokan để nâng cao sức khỏe. Sinh hoạt tại câu lạc bộ giúp tôi làm quen với các anh chị khóa trên, hướng dẫn cho tôi cách học cũng như những nội dung quan trọng trong năm nhất cần chú ý.

Nga cũng cho biết thêm: “Tại trường đại học, chương trình học thường theo các module. Do đó, sinh viên phải chuẩn bị slide để thuyết trình. Vì vậy, tôi phải tìm hiểu và trau dồi kỹ năng nói, thuyết trình trước đám đông. Từ đó, biết cách kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh khi xuất hiện tình huống ngoài mong muốn và mạnh dạn thử sức với vai trò dẫn chương trình”.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, Nga cho rằng sinh viên năm nhất chú tâm, để ý đến yêu cầu bài học sẽ phát huy khá nhiều khả năng như: Thuyết trình, lập kế hoạch môn học hay các kỹ năng liên quan đến tin học văn phòng… mà không bị áp lực hay cảm thấy chương trình quá nặng.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Hội trại sinh viên năm nhất K66.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Hội trại sinh viên năm nhất K66.

Tiền đề quan trọng

Theo TS Nguyễn Đình Liên (giảng viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên năm đầu thường có tâm lý chủ quan, nhiều em chưa thực sự chú tâm vào việc học dẫn đến kết quả thấp, dẫu những năm học phổ thông các em có học lực rất tốt.

Do đó, trước khi nhập học, phụ huynh nên cùng con tìm hiểu chương trình học, những thay đổi trong môi trường mới. Các em có thể tham khảo người đi trước cách học hoặc môi trường học để có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Đồng thời, tân sinh viên cũng nên trang bị cho mình kỹ năng như giao tiếp, xử lý tình huống và đặc biệt phải bản lĩnh trước những cám dỗ.

“Sau khi nhập học, các em có thể tham gia hoạt động do các câu lạc bộ trong trường tổ chức để có cơ hội giao tiếp với các anh chị khóa trên nhằm học hỏi kinh nghiệm, phương pháp học tập. Những hoạt động này cũng giúp tân sinh viên có thêm kỹ năng mềm, năng động hơn. Bởi, để thành công sau khi tốt nghiệp đại học ngoài kiến thức nhà trường trang bị, các em rất cần những kiến thức - kỹ năng sống xã hội”, TS Liên nhấn mạnh đồng thời lưu ý: Với sinh viên ngành Y, đây là ngành đặc thù do kiến thức và kỹ năng sống - kỹ năng hoạt động xã hội rất quan trọng. Đó là nền móng cho những năm học tập tiếp theo và sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, ngoài thời gian học trên giảng đường, các em cần biết tận dụng tối đa thời gian để học ở bệnh viện, thư viện. Ngoài tham gia hoạt động tình nguyện khám bệnh vì cộng đồng, mùa hè có thể xin đến các bệnh viện, phòng khám để học việc, như vậy sau khi ra trường bạn mới vững tay nghề, tự tin trong công việc. Dù học, thực tập có vất vả đến đâu nhưng tân sinh viên cần dành thời gian cho bản thân vui chơi, giải trí, thư giãn khoa học, lành mạnh như: Sinh hoạt nhóm, sinh hoạt cộng đồng...

Để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi, khi bước chân vào giảng đường đại học tân sinh viên cần chuẩn bị tâm lý, lập trường vững vàng; lập kế hoạch, quản lý thời gian khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ giúp sinh viên trau dồi kỹ năng cho học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, các em cần sắp xếp việc học và tham gia hoạt động hợp lý, tránh ảnh hưởng đến kết quả học tập. - ThS Đặng Hương Giang (Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy Lợi 1)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ