Sẻ chia gánh nặng học phí với tân sinh viên

GD&TĐ - Nhiều trường đại học công bố sẽ tăng học phí trong năm học tới khiến nhiều thí sinh và gia đình phải thay đổi trường và ngành học. Để giữ chân người học, một số cơ sở cam kết cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo hoặc hỗ trợ sinh viên tiếp cận các gói vay tín dụng không lãi suất.

Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi, Hà Nội.
Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi, Hà Nội.

Đổi nguyện vọng vì... học phí

Đạt kết quả khả quan trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 với số điểm 27,25 khối D01, Nguyễn Trà My ở huyện Hoài Đức, Hà Nội rất muốn nộp hồ sơ theo học Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội. Tuy nhiên, qua thông báo của trường, em được biết mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021.

Trong 3 năm tiếp theo, trường dự kiến tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền lớn, vượt khả năng chi tiêu của gia đình. Nếu theo học ngành em yêu thích, bố mẹ sẽ phải đi vay mượn thêm của người quen, họ hàng. Cùng với đó, em Trà My phải cố gắng đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Điều này khiến em rất đắn đo và lựa chọn phương án chuyển sang trường khác có ngành tương tự nhưng học phí rẻ hơn.

Tương tự, Bùi Khánh Vân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Kỳ thi vừa qua, em đã đạt 24 điểm khối C00. Dù trước đây em rất muốn trở thành luật sư và đã chọn Trường Đại học Luật Hà Nội để theo học. Tuy nhiên, nhà trường thông báo tăng học phí trong năm học tới, em đã đổi nguyện vọng 1 thành các ngành sư phạm để giảm gánh nặng học phí cho bố mẹ.

Dù đạt điểm cao và có thể được xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng Lê Tuấn Anh - thí sinh đến từ huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vẫn quyết định thay đổi nguyện vọng vì mức học phí cao. Để không tạo gánh nặng cho bố mẹ, nam sinh quyết định chuyển sang học ngành sư phạm thay vì y khoa.

Nhiều sinh viên mong muốn giảm gánh nặng học phí. Ảnh minh họa

Nhiều sinh viên mong muốn giảm gánh nặng học phí. Ảnh minh họa

Tăng học bổng hỗ trợ

Học phí đại học năm học 2022 - 2023 tăng mạnh khi áp dụng Nghị định 81/2021. Mức trần học phí các trường tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Học phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng, nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành và trường ước mơ do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, nhiều đại học cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo.

Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Số sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm khoảng 10 - 15% số lượng nhập trường hàng năm. Theo tính toán, chi phí học tập (gồm cả học phí và sinh hoạt phí) của một học sinh, sinh viên hiện khoảng 6,5 - 9,5 triệu đồng một tháng. Do đó, mức cho vay 4 triệu đồng bằng 61% mức chi học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của học sinh, sinh viên là phù hợp.

Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo tăng học phí ít nhất 10% đối với tất cả ngành học trong năm 2022 - 2023. Theo đó, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền có mức học phí cao nhất trong các ngành đào tạo là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành còn lại, học phí là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên. So với năm học 2021 - 2022, học phí năm học này của trường tăng từ gần 30% - 71%.

PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Dù đã áp dụng mức trần theo Nghị định 81, mức học phí mới vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí đào tạo. Để bảo đảm cơ hội học tập cho sinh viên, nhà trường sẽ đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp và quốc tế, tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ. Sinh viên nghèo được miễn, giảm học phí theo quy định.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo trong năm học tới sẽ tăng học phí một tín chỉ lên 440.000 đồng (hệ đại trà) và 1,32 triệu đồng (hệ chất lượng cao), tương đương 60 - 70% mức thu năm ngoái. Bên cạnh tăng học phí, hàng năm, Học viện có chính sách học bổng và miễn, giảm học phí. Ví dụ, năm học 2019 - 2020, học phí mỗi kỳ của hệ đại trà khoảng 3,9 - 4,8 triệu đồng, tùy từng khóa. Học bổng dao động 4 - 5,3 triệu đồng dành cho sinh viên đạt khá, giỏi, xuất sắc. Đến năm 2020 - 2021 khi học phí tăng lên 3,8 - 7,2 triệu đồng mỗi kỳ, mức hỗ trợ học bổng cũng nhiều hơn trước, từ 5 - 6,5 triệu đồng.

Ngoài học bổng, chính sách miễn giảm học phí, sinh viên có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về tín dụng cho học sinh, sinh viên. Theo đó, sinh viên thuộc các hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để học tập (tăng 1,5 triệu so với 2019).

Chị Nguyễn Thị Chiến ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm nay cả 2 con đều bước vào kỳ thi chuyển cấp, cháu lớn vào đại học và cháu bé vào lớp 10. Một số trường đại học thông báo tăng học phí nên gia đình khuyên con cân nhắc chọn trường phù hợp với sở thích, cân đối được tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ