Chống lạm thu bằng công khai, minh bạch

GD&TĐ - Gần 2 tuần nữa là đến ngày HS vào năm học mới 2018 – 2019 nhưng ngay từ giữa tháng 8, Sở GD&ĐT các địa phương đã đồng loạt đưa ra các hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2018 - 2019 trên trang web chính thức của Sở, cùng đó là các giải pháp riêng thể hiện sự quyết liệt trong chống lạm thu trường học của mỗi địa phương.

Trường học - nơi nuôi dưỡng những tài năng cho đất nước
Trường học - nơi nuôi dưỡng những tài năng cho đất nước

Sở GD&ĐT Hà Nội đã cung cấp 31 đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã, hoạt động 24/24 giờ, tiếp nhận những phản ánh về tình trạng lạm thu của người dân, phụ huynh HS. Những số điện thoại đường dây nóng được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân đều được biết đến…

Còn Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng HS qua bộ phận tài vụ của trường. Tuyệt đối không giao cho giáo viên thu - chi các khoản tiền. Cùng đó thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định. UBND các quận huyện cũng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra này…

Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học, trong đó nêu cụ thể các khoản thu trong năm học 2018 - 2019 theo quy định của Nhà nước, các khoản không được thu trong cơ sở giáo dục.

Nhìn thấy rõ tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong phòng chống lạm thu đầu năm học của các địa phương chính là sự công khai, minh bạch: Minh bạch các hướng dẫn, nhà trường “chiếu” theo đó để thực hiện. Công khai kênh thông tin hai chiều, lắng nghe phản ánh của người dân, phối hợp với các cấp, ngành xác minh làm rõ, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.

Cung cấp các hóa đơn cũng chính là biện pháp đảm bảo những khoản đóng góp của phụ huynh được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Việc minh bạch, công khai các thông tin hướng dẫn, chỉ đạo việc thu chi đầu năm học để cha mẹ HS nắm bắt thể hiện mong muốn của ngành Giáo dục các địa phương trong việc tăng cường lực lượng giám sát – cha mẹ HS – trong việc thu – chi đầu năm của mỗi nhà trường.

Ở nơi này, nơi khác, vẫn còn suy nghĩ nông cạn, rằng nếu thu tiền đầu năm “quá tay” bị phát hiện thì mang tiền trả lại, kiểm điểm rút kinh nghiệm là xong, mà không biết rằng trong công tác quản lý, sai 1 ly là đi 1 dặm. Tháng 5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) vì từ năm học 2015 - 2016 đến đầu năm học 2016 - 2017 tổ chức thu nhiều khoản đóng góp của cha mẹ HS mà chưa được phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên, không nộp vào tài khoản tiền gửi của trường tại kho bạc mà tự chi tiền mặt vào các hoạt động trái mục đích thu và không công khai, minh bạch theo quy định của Bộ GD&ĐT, vụ lợi cá nhân và gây thất thoát số tiền lớn.

Giải pháp bền vững nhất trong việc phòng chống lạm thu tiền trường đầu năm chính là xây dựng Ban giám hiệu có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm với nghề, có tầm lãnh đạo, để nhà trường là nơi nuôi dưỡng những tài năng cho đất nước, thầy cô là người ươm mầm cho những tài năng và hội phụ huynh là những người thay mặt cha mẹ HS kết hợp cùng nhà trường để phát triển HS Tài – Đức vẹn toàn.

Tháng 3/2018, Bộ GD&ĐT có Văn bản số 1029/BGDĐT-KHTC về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu lĩnh vực GD-ĐT trong năm học 2018 - 2019 gửi các địa phương, hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu. Theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT), Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, tiếp tục yêu cầu chấn chỉnh, thanh kiểm tra công tác thu chi trường học, đặc biệt vào thời điểm đầu năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.