Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu chi
Xin ông cho biết, cụ thể hơn về hướng dẫn địa phương chấn chỉnh lạm thu trong Văn bản 1029, cũng như việc hướng dẫn công tác thanh kiểm tra của Bộ GD&ĐT liên quan đến nội dung này?
Văn bản 1029 Bộ GD&ĐT gửi tất cả các địa phương, trong đó có nhiều nội dung. Thứ nhất là ưu tiên các nguồn lực để huy động và phân bổ ngân sách cho giáo dục đảm bảo chi thường xuyên: Tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các hoạt động giảng dạy, học tập cho các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng quy định. Thực hiện rà soát các văn bản quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo đúng quy định.
Thứ 2, tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu...
Văn bản này gửi đến các địa phương; nhiều địa phương đã triển khai, có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý, huyện, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các sở ban ngành liên quan.
Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm; đặc biệt thanh kiểm tra với lạm thu; giao cho các Sở GD&ĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa, hoặc lợi dụng Thông tư 29 để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh và người dân cả nước.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện đúng các quy định về thu chi |
Cần hiểu đúng các khoản được thu và không được thu
Cùng Văn bản 1029, được biết Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến để rà soát, sửa đổi Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 29 quy định về tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ông có thể chia sẻ thông tin rõ hơn về điều này?
Năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các vụ cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là Thông tư 55 để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục, địa phương mượn danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản thu không đúng quy định.
Mặc dù đã được truyền thông, nhưng chính Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh nhiều khi vẫn hiểu chưa rõ, nắm chưa chắc quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh được và không được thu gì.
Theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi Thông tư 55. Bên cạnh Thông tư 55, Thông tư 29 để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ..., Bộ GD&ĐT cũng đang tiến hành sửa đổi, đã lấy ý kiến của địa phương, Sở GD&ĐT và đặc biệt ý kiến của các chuyên gia, để kêu gọi được nguồn tài trợ cho ngành Giáo dục, để nâng cao chất lượng, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất trong giai đoạn hiện nay, làm sao để cải cách hành chính nhất, dễ thực hiện nhất. Trong tháng này, Bộ GD&ĐT cố gắng hoàn thiện, ban hành áp dụng cho năm học 2018 - 2019.
Mới đây nhất, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đây là một tin rất vui, tuy nhiên ông nghĩ sao khi có ý kiến băn khoăn việc có nơi có thể lợi dụng chủ trương đúng đắn này để đưa ra các khoản thu không hợp lý?
Theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã trình Nghị định sửa đổi Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, theo đó từ năm học 2018 - 2019, sẽ miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Lộ trình tiếp theo, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất với Chính phủ, Quốc hội chính sách miễn học phí đối với trẻ 5 tuổi mầm non và học sinh THCS.
Còn việc lo ngại với các khoản thu đầu năm, hàng năm, Bộ GD&ĐT cố gắng rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa các việc này, đồng thời gắn kết với các kế hoạch thanh kiểm tra và chỉ đạo các địa phương rà soát.
Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cả nước cần hiểu đúng các khoản được và không được thu. Các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh, học sinh nhưng tùy mức độ, khả năng của từng gia đình; cấm thu áp đặt, cào bằng; đặc biệt, công tác quản lý phải công khai minh bạch với các khoản thu này. Đây có thể coi như khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, mua sắm...
Hy vọng, với sự vào cuộc của cả xã hội, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và thu lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh được chấn chỉnh, tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông!
Lạm thu là vấn đề không mới, năm nào cũng bàn đến. Mặc dù cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý kỉ luật rất thích đáng, nhưng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục vẫn thực hiện chưa được đúng quy định, dẫn đến tình trạng lạm thu.
Hàng năm, các văn bản liên quan đến nội dung này được Bộ GD&ĐT ban hành rất sớm. Như năm nay, vào tháng 3, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1029/BGDĐT-KHTC về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu lĩnh vực GD-ĐT trong năm học 2018 - 2019 gửi các địa phương, hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu.