Chông chênh nghề báo ở vùng cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Những cung đường cheo leo, chông chênh ở miền núi, cộng thêm mưa rừng không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của người dân bản địa mà cả cánh phóng viên…

Tác giả (thứ 2 từ trái) trên đường tác nghiệp tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Tác giả (thứ 2 từ trái) trên đường tác nghiệp tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Những chuyến đi bão táp

Nghề báo vốn đã không dễ dàng khi được mệnh danh là “nghề nghiệt ngã”. Là phóng viên thường trú ở miền núi lại càng lắm nỗi gian truân. Nhất là hành trình ngược núi, tới các bản làng vùng cao, biên giới tác nghiệp.

Trong ký ức đời làm báo, có lẽ tôi không thể quên chuyến đi vào bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) diễn ra hồi tháng 9/2018. Ý tưởng cho chuyến đi xuất phát từ 1 video ghi lại hình ảnh giáo viên, học sinh Trường THCS Na Sang phải chui túi nilon để vượt suối đến trường.

Sớm ngày 3/9/2018, tôi cùng nhóm đồng nghiệp là phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Điện Biên lên đường. Những chiếc xe lăn bánh cũng là lúc cơn mưa cuối mùa ập xuống.

Sau quãng đường chừng gần 50km từ TP Ðiện Biên Phủ đến trung tâm xã Na Sang, đoàn rẽ vào con đường nhỏ dẫn lên bản Huổi Hạ - địa điểm được ghi trong clip. Đây là khu dân cư biệt lập, bị chia cắt với trung tâm bởi quãng đường đất gần 20km cheo leo, men theo sườn núi và 2 con suối dữ Nậm Mức, Nậm Chim.

Mưa rừng khiến con đường ngược núi trơn như đổ mỡ. Xe gần như không thể di chuyển suốt khoảng 1km đầu tiên. Những tay lái “cừ khôi” nhất do xã cắt cử đi hỗ trợ đoàn cũng đành bỏ cuộc giữa chừng.

Anh em trong đoàn quyết tâm hò nhau cố gắng. “Xe không chở được người thì bỏ lại chứ người không đẩy xe như thế này mãi được!”, sau câu nói ấy của một thành viên trong đoàn, chúng tôi quyết định “cuốc bộ”.

Phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên trên đường đi tác nghiệp.

Phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên trên đường đi tác nghiệp.

Vì vỡ kế hoạch về thời gian di chuyển, nên đoàn không mang theo đồ ăn, thức uống. Suốt chặng đường dài, những quả ổi, chanh… rừng chính là “cứu cánh” giúp các thành viên tiếp nước, lấy sức. Cứ chừng 15 phút, anh em lại phải nghỉ một lần.

Suốt 9 giờ đi bộ trên con đường ngược núi trơn trượt, không ai đếm được số lần mình “vồ ếch”. Chỉ biết rằng, khi nhìn thấy con suối Nậm Chim, phía bên kia là nhóm dân cư Huổi Hạ thì trời đã nhá nhem tối. Thân thể rã rời, quần áo nhuộm một màu vàng của đất đồi, những đôi chân phồng rộp tưởng chừng đã quá sức. Nhưng không, con suối dữ Nậm Chim trước mắt mới là thách thức lớn nhất cần vượt qua.

Đón chúng tôi với 1 chiếc bè tre và dây chõng chờ sẵn, trưởng bản Vừ A Giống (thời điểm đó) hô lớn: “Sang luôn thôi các anh chị. Suối mùa lũ nên nước sâu, cũng phải 5 - 7m, nhưng để tí nữa nước đầu nguồn đổ về, trời lại tối thì không đi nổi đâu”. Trong tích tắc, chúng tôi không còn sự lựa chọn!

Nhắm mắt bước lên chiếc bè tròng trành, nước lớn cuồn cuộn, anh trưởng bản vắt dây chõng qua ròng rọc, buộc vào bè rồi ra sức kéo. Mặc dù 2 thành viên trong đoàn cùng hỗ trợ, song sức người không lại sức nước. Phải mất 4 lần “đánh vật” với con suối, 2 lần thót tim vì thành viên trong đoàn trượt chân ngã xuống dòng nước lớn, chúng tôi mới thở phào khi sang được bờ.

Một kỷ niệm khác vào tháng 10/2021 cũng đầy thử thách với hành trình xuyên rừng, vượt suối vào bản Na Chén, xã Mương Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Vì chỉ có một con đường đất độc đạo, nên vào mùa mưa nơi đây “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Chỉ chừng 10km từ trung tâm xã vào bản, song chúng tôi phải mất hơn 2 giờ di chuyển. Bởi đường gập ghềnh, lên xuống với những dốc cua gấp, dẫn vào sâu trong rừng. Rồi vượt thêm 5 con suối, mà đa phần đều có người bỏ mạng hoặc từng “chết hụt”. Gồng cứng tay lái mà cũng không ít lần cả người và xe trực chờ bên bờ vực. Song đường càng khó, quyết tâm “phải đến nơi” lại càng lớn.

Cô giáo Lò Thị Duyên và học sinh tại lớp học giữa rừng Na Chén.

Cô giáo Lò Thị Duyên và học sinh tại lớp học giữa rừng Na Chén.

Mỗi câu chuyện đều chất đầy trăn trở

Là bản biên giới giáp Lào, Na Chén gần như biệt lập với bên ngoài do cách trở về giao thông, không điện, không sóng điện thoại. Đây là nơi quần tụ của vỏn vẹn 21 gia đình, với hơn 130 nhân khẩu đồng bào Khơ Mú. Tại đây có một lớp học mầm non do cô giáo Lò Thị Duyên phụ trách, với 18 trẻ đủ lứa tuổi.

Trong lúc chúng tôi đang tác nghiệp tại điểm trường, trời bỗng đổ cơn mưa. Ánh mắt đầy ái ngại nhìn đoàn, cô giáo Duyên bảo: “Mưa thế này phải có nắng lên cả buổi, nền đường se vào mới đi được. Giờ trời sắp tối rồi, mưa lại không ngớt, các anh chị không quay ra được đâu, nghỉ lại bản thôi!”. Vậy là, hôm ấy chúng tôi “vỡ kế hoạch”, ở lại trải nghiệm cuộc sống bản “đa không”.

Phải ở lại bản không nằm trong kế hoạch. Song chính nhờ sự nhỡ nhàng ấy mà chúng tôi ghi nhận thêm được nhiều câu chuyện đầy trăn trở. Đó là sự hy sinh, kiên gan của cô giáo trẻ khi một mình “cắm bản” dạy học. Những lần “chết hụt” khi vượt đường núi cheo leo hay suối dữ mùa nước dâng trên hành trình đến lớp. Rồi tình cảm, sự yêu mến, sẻ chia đầy nghĩa tình của người dân bản địa giữa bộn bề gian khó…

Cô Duyên tâm sự: Chặng đường vào bản đã không ít thử thách, nhưng từ bản sang trường thôi cũng phải qua con suối rộng vài chục mét. Mùa tựu trường cũng thường là mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết vốn đã gây nhiều trở ngại với người dân bản địa. Còn với cô, mỗi khi nhớ lại lần “chết hụt” trên con suối ấy vẫn không khỏi hoảng hồn.

“Đời giáo viên vùng cao như chúng em khó khăn bao nhiêu cũng vượt qua được. Nhưng mong mỏi nhất là có được con đường đúng nghĩa. Bớt gian nan mà hơn hết là không còn nơm nớp lo tai nạn”, cô Duyên trải lòng.

Để đến bản Na Chén, phóng viên phải vượt qua 5 con suối.

Để đến bản Na Chén, phóng viên phải vượt qua 5 con suối.

Rời Na Chén trong niềm trăn trở, day dứt không nguôi khi nghĩ lại những tháng ngày cô Duyên âm thầm tự “lau nước mắt” nơi “rừng thiêng nước độc”. Song khi trao đổi với cô giáo Lò Thị Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lói, tôi mới biết ở vùng đất này, đó là chuyện “thường ngày”.

“Nhà trường có 7 điểm lẻ. Trong đó có 5 điểm phải đi qua suối và hội tụ đủ các khó khăn đặc thù như ở Na Chén. Điểm xa nhất cách trung tâm gần 40 km, chủ yếu đường đất dân sinh. Tuy nhiên, các cô giáo đều yêu trường, mến trẻ. Nếu không có tình yêu thì không thể vượt qua khó khăn để bám bản, bám lớp như thế được”, cô Minh bộc bạch.

Còn với chuyến đi Huổi Hạ, hình ảnh những cuộc “vượt suối” đầy mạo hiểm và tinh thần hiếu học của bọn trẻ không khỏi khiến chúng tôi phải trăn trở, xót xa. Cũng bởi vậy, hạnh phúc càng thêm vỡ òa khi đoàn phóng viên trong chuyến đi nhận được tin Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đồng ý đầu tư cho Huổi Hạ 1 cây cầu mới kiên cố.

Ngày khánh thành công trình, các thành viên trong đoàn cũng có mặt chung vui cùng bà con. Nhìn ánh mắt, khuôn mặt đầy rạng rỡ của bọn trẻ, chúng tôi không khỏi xúc động. Cho đến tận giờ, mỗi lần nhắc lại tôi vẫn không khỏi tự hào và nhắn nhủ mình: “Những chông chênh ấy có sá gì!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ