Chọn trường cho con đừng để 'mất cả chì lẫn chài'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên lựa chọn trường phù hợp với năng lực của con và điều kiện của gia đình...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ vụ hàng nghìn phụ huynh vây kín cổng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) để đợi con thi khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6, các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, thay vì ép con “chín non”, phụ huynh nên lựa chọn trường phù hợp với năng lực của con và điều kiện của gia đình.

Không nên “ép” con

Mới đây, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh tổ chức thi khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6. Kết thúc buổi thi, hàng nghìn người quây kín cổng trường khiến thầy giáo phải đứng lên cổng, dùng loa yêu cầu phụ huynh giãn cách. “Biển người” chen lấn trước cổng trường khiến cảnh tượng như “chợ vỡ”.

GS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận, thực tế có nhiều phụ huynh chọn trường cho con để thỏa mãn nhu cầu cá nhân là con mình học trường “hạng sang”. Tuy nhiên, họ quên mất cảm xúc của con em mình. Bất chấp xa gần, chỉ cần trường đó có tiếng về chất lượng là phụ huynh đổ xô đến nộp hồ sơ cho con theo học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình huống “vỡ trận” trước cổng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh hôm 9/4.

Nhớ lại câu chuyện về một phụ huynh cố “ép” con học để thi vào một trường chuyên trên địa bàn TP Hà Nội, GS Phạm Tất Dong kể lại, năm đầu tiên, không quản đường sá xa xôi, dù sớm hay muộn, phụ huynh này háo hức đưa, đón con. Cũng vì nhà xa nên hai bố con thường xuyên phải dậy sớm để đến trường và khi về đến nhà đã tối muộn. Thấy không thể đưa đón con hàng ngày, nên gia đình đã thuê một bác xe ôm chở hằng ngày.

Điều đáng nói, từ một học sinh giỏi toàn diện 5 năm học tiểu học, lên lớp 6, em “tụt dốc” dẫn đến không theo kịp các bạn. Quan ngại hơn, trong khi các bạn cùng trang lứa có nhiều kỹ năng thì em như “gà công nghiệp”. Phụ huynh này thừa nhận, do đi học xa, sức khỏe lại không tốt nên cháu thường xuyên mệt mỏi. Học lực ngày càng thua kém các bạn nên dẫn đến nản chí, mất động lực.

Đến học kỳ II năm lớp 7, gia đình quyết định xin cho con về học ở trường cách nhà chưa đầy 500m. Gần nhà, bố mẹ không phải đưa đón và cũng không thuê xe ôm chở con hàng ngày. Quan trọng hơn, em đã chủ động được thời gian và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của trường, lớp. Dần dần, em lấy được phong độ và trở thành học sinh giỏi.

Từ câu chuyện thực tế trên, GS Phạm Tất Dong cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất khi lựa chọn trường cho con là bảo đảm yếu tố phù hợp. Theo đó, không chỉ phù hợp với năng lực, sức khỏe của học sinh mà còn phù hợp với điều kiện gia đình.

Phụ huynh đứng chật kín phía ngoài cổng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều trưa 9/4. Ảnh: INT

Phụ huynh đứng chật kín phía ngoài cổng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều trưa 9/4. Ảnh: INT

Chọn trường cần tiêu chí nào

Trao đổi một số tiêu chí để phụ huynh lựa chọn trường học cho con, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) gợi ý, phụ huynh cần chú ý tới chất lượng dạy học; khoảng cách từ nhà đến trường, năng lực của học sinh và mức học phí phải đóng (nếu là trường ngoài công lập).

Nếu con có năng lực vừa phải, phụ huynh không nên cho con vào trường chất lượng cao, áp lực học tập lớn. Hay một ngôi trường rất vừa ý phụ huynh nhưng quá xa nhà cũng không phù hợp. Khoảng cách về địa lý có thể khiến trẻ mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. “Khi chọn trường học, cần quan tâm đến chất lượng đào tạo có đảm bảo hay không. Cũng không nên bằng mọi giá để cho con vào học trường có “danh tiếng” - TS Nguyễn Tùng Lâm khuyến cáo.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, mong muốn cho con học trường tốt, chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, không vì thế mà phụ huynh phải bằng mọi cách để con vào học những trường như vậy. Vô hình trung phụ huynh tự tạo áp lực cho mình và các con.

Theo vị hiệu trường này, với học sinh tiểu học và THCS, tốt nhất nên chọn những trường gần nhà, phù hợp với năng lực, sức khỏe của trẻ và điều kiện gia đình. Học gần nhà có nhiều lợi thế, ít nhất là thuận tiện cho học sinh đến trường. Trẻ tự đi học sẽ rèn tính tự lập và phát triển nhiều kỹ năng mềm. Bố mẹ cũng dễ dàng xử lý nếu như có vấn đề gì đó xảy ở trường hoặc trên đường đi. Điều này tốt hơn nhiều là cho con học ở xa, vừa đi lại vất vả và khó “ứng biến” nếu gặp sự cố bất thường.

Cho rằng, phụ huynh không nên quá cầu kỳ trong việc chọn trường cho con em mình, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) phân tích, chọn trường nên căn cứ vào điều kiện gia đình, sức khỏe của học sinh. Phụ huynh không nên chạy theo danh tiếng hoặc xu hướng đám đông. “Các cháu tôi đều học trường gần nhà. Đây là tiêu chí đầu tiên mà gia đình lựa chọn. Các cháu đều học tốt, tự lập, bố mẹ không phải đưa đón” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, với học sinh lớp 6, việc học trường nào do cha mẹ “đặt đâu, con ngồi đấy”. Chọn trường tốt, chất lượng cao là nhu cầu chính đáng nhưng chưa chắc đã phù hợp với con em mình. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trẻ có thể không theo kịp các bạn, dẫn đến chán nản và mất động lực học. Như vậy, việc chọn trường cho con trở nên vô nghĩa, thậm chí “mất cả chì lẫn chài”.

“Tôi mong rằng, trường học nào cũng phấn đấu để trở thành trường học hạnh phúc, để phụ huynh, học sinh thích thú đến trường. Tuy nhiên, mỗi gia đình không nên cầu kỳ và chạy theo phong trào khi chọn trường học cho con” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ