Những băn khoăn thường thấy là sự cân nhắc giữa trường công lập, tư thục, gần nhà hay gần chỗ làm, trường thường hay trường mô hình tiên tiến…
Muôn kiểu “săn”trường
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tuyển sinh đầu cấp được thực hiện theo hình thức phân tuyến, hộ khẩu thường trú ở phường nào, học sinh sẽ học trên địa bàn phường đó.
Đa phần phụ huynh chọn trường công lập gần nhà, tiện đưa đón, theo đúng tuyến. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau cũng có không ít gia đình “rối như tơ vò” khi lựa chọn.
Chị Nguyễn Hằng Nga, ngụ tại chung cư 4S Linh Đông, TP Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ: Từ năm 2020, gia đình đã tìm hiểu trường tiểu học cho con gái vào lớp 1 năm học tới. Tuy nhiên, hiện chị vẫn chưa “chốt” phương án.
Vừa qua, chị Nga đăng kí danh sách cho con ở phường để có một suất học ở trường công nơi đang cư trú. “Trường công lập ở đây cũng ổn, học sinh được học 2 buổi/ngày nhưng tôi đang nghiêng về phương án cho con học ở trường tư thục tại khu đô thị mới ở TP Thủ Đức. Trường này riêng học phí là 155 triệu đồng/năm”.
Đắn đo tiền học khá cao nên chị tìm hiểu thêm một số trường tư thục khác ở địa bàn lân cận để đưa ra quyết định cuối cùng. Điều mà chị Nga hài lòng nhất ở ngôi trường tư nói trên có cơ sở vật chất rất tốt.
Tương tự như câu chuyện của chị Hằng Nga, việc con chuẩn bị vào lớp 1 khiến gia đình chị Minh Hạnh (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) đứng ngồi không yên từ năm trước tới năm nay. Chị Hạnh cho biết: Ở quận Tân Phú, áp lực về dân số kéo theo sĩ số học sinh đông, một số khối lớp ở các trường tiểu học vẫn phải học 1 buổi/ngày.
Theo phân tuyến, con chị sẽ vào Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trên địa bàn quận, cách nhà 800 mét. Trường có khoảng 3.000 học sinh khiến chị lo lắng. “Nếu được học bán trú cũng rất đông, tôi cân nhắc cho con học trường tư thục. Tuy nhiên, học trường tư con phải di chuyển khoảng 8 km, nên vẫn đang đắn đo lựa chọn, chưa đưa ra quyết định cuối cùng”, chị Hạnh nói.
Với nhiều phụ huynh, dù nhà gần trường tiểu học công lập, nhưng vì e ngại… sĩ số đông, trường công ít hoạt động nên có tâm lý tìm trường tư thục cho con. Cũng có nhiều phụ huynh ở TPHCM, dù nhà ở quận này nhưng phải đưa con sang quận khác học để gần nơi làm việc của bố mẹ.
“Con tan học lúc 16 giờ 15 phút, phải thuê thêm người đưa rước, người trông con cho tới 6 giờ chiều mẹ mới đi làm về nên rất cực. Vì vậy, tôi tìm trường cho con học gần chỗ làm để tiện đưa đón. Dù sáng nào cũng phải đi xa tầm 10 km”, chị Hải Anh, ngụ tại quận Gò Vấp (TPHCM) cho hay.
Chọn trường cho con: Lưu ý điểm gì
Theo các nhà giáo, chuyên gia, việc chọn trường cho con vào lớp 1 tuỳ thuộc từng gia đình chứ không có “công thức chung”. Đa phần sẽ cho con vào trường gần nhà, tiện đưa đón, cũng có người cân nhắc giữa trường công và trường tư khi có điều kiện về tài chính. Trước lựa chọn này, họ đặt ra tiêu chí như cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên uy tín, chương trình học tích hợp…
Thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) chia sẻ: Tôi vẫn đưa ra lời khuyên với quý phụ huynh, hãy chọn ngôi trường gần nhà cho trẻ và không nên quá cầu kỳ.
Ở các thành phố lớn, giao thông là vấn đề nhức nhối, học gần nhà sẽ mất ít thời gian di chuyển trên đường, tiện đưa rước. Các con được ngủ đủ giấc, dậy ăn sáng và tới trường trong niềm vui, đó là điều ai cũng mong muốn.
Ngoài ra, theo thầy Đức, chất lượng các trường tiểu học không có sự chênh lệch nhiều. Đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn, bồi dưỡng và đều chuyển mình cùng đổi mới giáo dục nên phụ huynh hãy yên tâm.
Cũng theo thầy Đức, ở lứa tuổi tiểu học, nhất là vào lớp 1, phụ huynh cần hướng dẫn con các kỹ năng, sẵn sàng tâm lý cho con chứ không phải chạy theo trường điểm, trường tiếng tăm… mà quên đi việc trang bị cho trẻ những điều cần thiết. Thầy Đức cho rằng: Quan trọng vẫn là “kiềng ba chân” nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục trẻ phát triển toàn diện.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thuý Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Quận 4 đưa ra lời khuyên: Phụ huynh nên chọn trường gần nhà để tiện đưa đón, an toàn khi di chuyển trên đường. Ngoài ra, giả sử nếu có vấn đề gì của con ở trường, cha mẹ hoặc người thân cũng sẽ có mặt nhanh nhất để xử lý.
“Trường công hay tư đều bám sát các yêu cầu về chuyên môn, giáo dục kỹ năng cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ tiểu học vẫn cần không gian rộng để hoạt động. Nếu trường chật quá hoặc không có sân chơi sẽ hạn chế sự vận động thể chất của trẻ. Nhưng chọn trường tư phải phù hợp với điều kiện về tài chính, cân nhắc kỹ càng”, bà Thuý Hà nhấn mạnh.
Đối với trẻ lớp 1, bên cạnh việc chọn trường phụ huynh cần chuẩn bị kỹ cho trẻ về tâm lý khi thay đổi môi trường học tập. Cha mẹ có thể chở trẻ đi qua ngôi trường, giới thiệu, tạo sự thích thú cho con hoặc cùng con đi mua sắm đồ dùng học tập.
Ngoài ra, tập cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phục vụ bản thân như tự xúc ăn, tự vệ sinh cá nhân, tập thói quen dậy sớm… Cho trẻ tập ăn những món ăn phổ biến, bởi một số trẻ vào lớp 1 nếu chỉ ăn thịt xay hay trứng chiên sẽ khó cho nhà trường và trẻ trong khi triển khai thực đơn cho hàng ngàn học sinh.
Liên quan đến việc chọn trường cho con, thầy Trịnh Đức (mạng lưới giáo viên tâm lý tại TPHCM) cho hay: Nhiều phụ huynh chọn trường cho con với câu “nghe nói trường đó trường điểm, tốt” chứ không hề tìm hiểu kĩ. Đôi khi, tốt với những đứa trẻ này nhưng chưa hẳn phù hợp với trẻ khác hay con bạn.
Điều quan trọng nhất với trẻ tiểu học vẫn là kỹ năng, không gian rộng thoáng để học tập, vui chơi và được an toàn. Vì vậy, trường gần nhà vẫn là ưu tiên cần được cân nhắc đầu tiên. Chuẩn bị cho trẻ kỹ năng, tâm lý để con sẵn sàng thích ứng với môi trường học tập mới cũng là điều cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.