Đây là việc quan trọng, vì thế các em cần hiểu mình, hiểu nghề và hiểu bối cảnh để có quyết định lựa chọn phù hợp.
- Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS đã và đang trở thành mục tiêu của nhiều trường phổ thông. Vậy Trường THPT Hoàng Long thực hiện định hướng này như thế nào, thưa cô?
- Phẩm chất và năng lực chính là yếu tố nền tảng tạo nên nhân cách của một con người. Do đó, dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS đã và đang trở thành mục tiêu của nhiều trường phổ thông.
Từ năm học 2016 - 2017, Trường THPT Hoàng Long đã xác định, dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS là mục tiêu hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, tập trung vào các nội dung cốt lõi.
Thứ nhất, về phẩm chất: HS của trường được giáo dục theo văn hóa Nhật Bản, trong đó có sự kết hợp với tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Việc giáo dục đạo đức cho HS không chỉ thông qua các hoạt động ngoại khóa như: Các giờ sinh hoạt, giờ chào cờ, các hoạt động của Đoàn Thanh niên... mà nhà trường còn xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, dựa trên các tài liệu của Nhật Bản và truyền thống văn hóa Việt Nam, để đưa vào dạy cho HS trong các tiết chính khóa.
Thứ hai, về năng lực: HS được phát triển đa dạng các năng lực của bản thân như: Năng lực ngoại ngữ; Năng lực công nghệ thông tin; Năng lực thực hành (Vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn); Năng lực thích nghi với môi trường, đặc biệt là với những người xung quanh; Năng lực định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai…
- Lâu nay, phân luồng hướng nghiệp vẫn là câu chuyện được bàn thảo với nhiều ý kiến khác nhau. Cô có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp HS có được ý thức như là chủ thể trong sự lựa chọn nghề nghiệp, có định hướng khi chọn nghề dựa trên cơ sở hiểu biết khoa học về nhu cầu thị trường lao động cũng như năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân.
Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này ở các trường còn nhiều khó khăn, hạn chế với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là thiếu đội ngũ GV chuyên trách về hướng nghiệp. Ngoài ra, các tài liệu, phương tiện, điều kiện cần thiết cho hoạt động tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho HS vừa thiếu, vừa chưa bảo đảm về chất lượng.
- Việc phân luồng, hướng nghiệp ở Trường THPT Hoàng Long được thực hiện như thế nào?
- Trường THPT Hoàng Long đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên của Trung ương Đoàn TNCS HCM, xây dựng bộ tài liệu về tư vấn, định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho HS.
Nhà trường đã đưa các tiết giáo dục hướng nghiệp vào thời khóa biểu chính khóa với thời lượng 4 tiết/tháng/khối. Nhà trường liên kết với các trường ĐH, trường nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để HS có cơ hội được đi học tập và trải nghiệm thực tế.
Đối với những HS có định hướng vào các trường ĐH trong và ngoài nước, nhà trường sẽ tổ chức cho HS đi học tập và trải nghiệm thực tế như: Trải nghiệm về phương pháp giảng dạy của GV trường thông qua buổi dự thính; trải nghiệm về cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy của nhà trường thông qua hoạt động tham quan giảng đường, hội trường, thư viện, nhà đa năng…
Trải nghiệm về điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt tại trường thông qua việc dùng bữa trưa tại căng tin, nghỉ trưa tại ký túc xá… Trải nghiệm cảm xúc thực tế của HS khi học tập thông qua hoạt động giao lưu, chia sẻ từ chính các em đang theo học tại nhà trường.
Đặc biệt, HS được đi trải nghiệm nghề nghiệp, việc làm thực tế tại các cơ quan, đơn vị. Những trải nghiệm thực tế nêu trên sẽ góp phần tích cực cho HS định hướng chọn trường, chọn nghề sau này. Đồng thời tạo động lực cho các em phấn đấu trong việc học tập, rèn luyện.
- Nhắc đến lựa chọn nghề nghiệp, cô có khuyến cáo gì cho các em HS lớp 12?
- Để lựa chọn được ngành nghề phù hợp, các em cần: Hiểu mình - Hiểu nghề - Hiểu bối cảnh. Thứ nhất là hiểu mình: Các em cần tìm hiểu sở thích, đam mê, nguyện vọng của bản thân, biết mình thích làm nghề gì trong tương lai. Lựa chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích, đam mê sẽ giúp các em yêu nghề và sống với nghề mình lựa chọn.
Thứ hai là hiểu nghề. Các em cần tìm hiểu những nghề mình thích có yêu cầu gì, khả năng của bản thân có phù hợp với nghề đó hay không. Làm được điều này, các em sẽ có cơ hội để phát huy tiềm năng của bản thân. Chẳng hạn như: HS có ngoại hình đẹp, khả năng ngoại ngữ tốt thì phù hợp với nghề tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch...
Thứ ba là hiểu bối cảnh. Trước khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp, HS cần tìm hiểu thị trường việc làm trong bối cảnh hiện tại và tìm hiểu dự báo nghề cần thiết trong tương lai. Từ đó, lựa chọn những nghề mà mình yêu thích và phù hợp với khả năng của bản thân. Các em nên lựa chọn nghề mà xã hội đang cần và có khả năng phát triển trong tương lai. Điều đó sẽ giúp các em có cuộc sống tốt, ổn định và hạnh phúc!
- Xin cảm ơn cô!
“HS của Trường THPT Hoàng Long nói chung, lớp 12 nói riêng, các em đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp một cách bài bản trong 3 năm học. Do đó, các em sẽ tự khám phá được khả năng, sở thích của bản thân, từ đó hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp, sử dụng các thông tin một cách phù hợp vào tình huống cụ thể, để đưa ra quyết định nghề nghiệp trong tương lai”.
Cô Lê Ngọc Lan