Chọn đúng bài thi tổ hợp để tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Ngoài 3 môn bắt buộc Toán – Văn – Ngoại ngữ, vẫn có học sinh không xác định được thế mạnh của mình để đăng ký bài thi tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THCS - THPT Hiển Nhân tham gia tư vấn cho công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh Trường THCS - THPT Hiển Nhân tham gia tư vấn cho công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Thi thử, điều chỉnh thật

Trước thời điểm học sinh chính thức lựa chọn đăng ký bài thi tổ hợp môn, Trường THCS - THPT Hiển Nhân (Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã tổ chức cho học sinh thi thử. Đề thi được xây dựng, thầy Nguyễn Duy Thảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đề thi thử được xây dựng trên cơ sở bám sát cấu trúc và định dạng của đề minh họa và đề thi tốt nghiệp THPT chính thức của năm 2022. Ngoài mục đích đánh giá thực chất, năng lực học tập, làm cơ sở cho việc điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập trong khoảng thời gian còn lại, đợt thi thử này cũng là một trong những căn cứ để nhà trường tư vấn cho học sinh lựa chọn bài thi tổ hợp”.

Theo nhận xét của thầy Nguyễn Duy Thảo, nhiều học sinh đến thời điểm này vẫn còn phân vân khi lựa chọn bài thi tổ hợp. Các em không mạnh hẳn môn nào để lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn phải căn cứ vào kết quả xếp loại học lực của học kỳ I, điểm bài thi thử cùng với theo dõi quá trình học tập của học sinh để tư vấn phù hợp."Chúng tôi phân tích khối lượng kiến thức của từng môn học, kết hợp với nguyện vọng và năng lực của HS để tư vấn chọn môn thi cho các em" - thầy Thảo cho biết.

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Hiển Nhân (Đà Nẵng).

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Hiển Nhân (Đà Nẵng).

Ngay sau khi phân tích kết quả học tập của học kỳ I, điểm bài thi thử cùng với việc thống kê các buổi nghỉ học phụ đạo trái buổi, Trường THCS - THPT Hiển Nhân đã mời phụ huynh học sinh của những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp để bàn phương án phối hợp trong thời gian ôn tập còn lại.

Thầy Nguyễn Duy Thảo cho biết, ngoài bàn về biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình và nhà trường, nhà trường cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có những điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn như các em đề xuất “giáo viên đừng “căng” quá, mong thầy cô dạy chậm lại và chỉ dạy những kiến thức căn bản”.

Từ đây, nhà trường cũng lưu ý thêm với giáo viên: “Ngoài kiến thức, kỹ năng cần thiết của bài dạy, trong quá trình dạy cần quan tâm bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém và lồng ghép việc dạy bù kiến thức bị hổng. Giáo viên phải gần gũi, tạo không khí thoải mái trong giờ học, khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, lời giải của mình. Nên quan tâm, động viên các em học yếu để các em có niềm tin, phấn đấu nhiều hơn”.

Bám sát năng lực học tập của học sinh

Công tác ôn tập cho học sinh tại các trường THPT ở Đà Nẵng được tổ chức theo nhóm đối tượng. Đặc biệt, với học sinh có học lực trung bình, yếu, giáo viên chú trọng hướng đến việc các em nắm được cơ bản chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Tăng cường rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết để phân tích đề và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi. Nghiên cứu và giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện.

Ban giám hiệu các trường học cùng với tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, kết quả thi tốt nghiệp năm 2022 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập thi năm 2023.

Thầy Nguyễn Duy Thảo – Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hiển Nhân cho biết, sau khi có kết quả thi học kỳ II, nhà trường sẽ một lần nữa sẽ chia lại lớp ôn tập dựa trên năng lực tiếp nhận của học sinh. “Với những học sinh có điểm trung bình môn xấp xỉ 5.0, nhà trường sẽ tập trung cho mục tiêu chống trượt. Trong đó, chú trọng ôn tập và luyện những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, làm nhuần nhuyễn các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu” – thầy Thảo cho biết.

Theo nhận xét của các thầy cô giáo có kinh nghiệm ôn tập thi tốt nghiệp THPT thì những câu hỏi ở mức độ nhận biết của các môn thi thuộc tổ hợp môn Khoa học tự nhiên chủ yếu kiểm tra định nghĩa, định lý, tính chất… Những câu hỏi này tuy dễ nhưng không phải học sinh nào cũng lấy được điểm bởi dù dễ quá nhưng học sinh không ôn tập, không để ý thì lại không biết.

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hiển Nhân cho biết: “Nhà trường, giáo viên cam kết tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ, và tổ chức ôn tập bám sát năng lực của học sinh, giải đáp thắc mắc cho các em. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần sát sao trong quá trình ôn thi của con, hỗ trợ tốt các điều kiện học tập như máy tính cầm tay, Atlat Địa lý… để nâng cao kết quả của kỳ thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.