Xếp lớp ôn tập theo năng lực và nguyện vọng của học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường THPT vừa hoàn thành chương trình dạy, vừa dựa vào đăng ký môn tự chọn của HS để chủ động lập kế hoạch ôn thi tốt nghiệp.

Giờ ôn tập của học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng)
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng)

“Bám chuẩn, bám đề, bám khả năng”

“Học tới đâu, ôn thi tới đó” đã là phương châm của nhiều trường THPT nhằm nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Chỉ sau khai giảng năm học 2022 – 2023 khoảng 1 tháng, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức tăng tiết ôn tập cho học sinh lớp 12 ở 3 môn Ngữ văn, Anh văn và Toán vào các tiết tự chọn. Sau Tết Nguyên đán, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký tổ hợp môn của bài thi tự chọn để xếp lớp ôn tập. Trong số 488 học sinh khối 12, có 200 em đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên và 288 em lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Ngoài 3 tiết ôn tập vào buổi học thứ Năm hàng tuần và 2 buổi trái ca.

Trường THPT Nguyễn Hiền chia lớp ôn tập theo khả năng nhận thức và theo các môn tự chọn. Nhà trường ưu tiên cử những giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập, quan tâm, giúp đỡ học sinh có học lực yếu. Những học sinh khá giỏi được vận động hỗ trợ thêm cho những bạn học lực yếu, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.

Các tiết ôn tập sẽ được Trường THPT Nguyễn Hiền tổ chức theo các chuyên đề và phải dạy bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng và đảm bảo dạy học theo hướng phân hóa đối tượng. Với đặc điểm đầu vào thấp, nhà trường chủ trương đề cương ôn tập cùng hệ thống câu hỏi đi kèm được tổ bộ môn xây dựng trên cơ sở phân loại khả năng tiếp nhận của học sinh. Cứ sau khoảng một tháng ôn tập, các bộ môn đều phải tổ chức làm bài kiểm tra thử để có kết quả làm căn cứ nhằm điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập cho cả giáo viên và học sinh.

Các trường học ở Đà Nẵng tổ chức lớp ôn tập theo tổ hợp môn, học sinh được lựa chọn giáo viên để đăng ký lớp.

Các trường học ở Đà Nẵng tổ chức lớp ôn tập theo tổ hợp môn, học sinh được lựa chọn giáo viên để đăng ký lớp.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức xếp lớp ôn tập cho học sinh dựa trên đăng ký bài thi tổ hợp và tổ hợp môn xét tuyển ĐH, CĐ. Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chẳng hạn như một học sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH theo tổ hợp môn Toán - Lý - Hóa thì với môn Sinh học, em sẽ được xếp vào lớp ôn tập đảm bảo kiến thức cơ bản. Những môn nào không nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học thì sẽ ưu tiên cho mục tiêu chống trượt, chống liệt”.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú được lựa chọn giáo viên để đăng ký học ôn với môn tự chọn tại trường. Với 3 môn Ngữ văn - Toán và Anh văn, sẽ ôn tập theo lớp học truyền thống vì giáo viên đã theo sát học sinh ngay từ đầu năm học, sẽ có định hướng ôn tập phù hợp với năng lực của từng em.

Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) có 18 lớp 12 với 713 học sinh. Trong số này, có 410 học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và 303 học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội. Để chuẩn bị tốt cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp, bắt đầu từ tháng 2, nhà trường tăng tiết các môn thi tốt nghiệp lên 1 tiết/tuần.

Các trường học ở Đà Nẵng đã xây dựng các bài kiểm tra, thi thử như cấu trúc của đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố với ma trận đề, hệ thống câu hỏi ở các mức độ: đánh giá nhận biết, thông thạo, vận dụng thấp và vận dụng cao...

Vững kiến thức, thành thạo kỹ năng

Một điểm chung trong kế hoạch tổ chức ôn thi của các trường THPT là song song với việc ôn tập kiến thức, GV phải chú trọng hướng dẫn HS cách học và làm bài thích hợp với đề thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận, từ cách phân tích đề, trình bày bài làm, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm… Nếu không làm được điều này, thì những nỗ lực của cả nhà trường và HS trong giai đoạn “nước rút” sẽ không mang lại hiệu quả cao. Riêng khối lượng kiến thức lớp 11, trong quá trình ôn tập, giáo viên sẽ nhắc lại để giúp học sinh tái hiện được kiến thức, ra những bài tập có liên quan để hướng dẫn học sinh tự học.

Thầy Phạm Văn Ngọc, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thái Phiên cho biết: Trong quá trình ôn tập bộ môn, học sinh phải xác định được kiến thức pháp luật trong chương trình lớp 12, trừ những bài và nội dung đã giảm tải; hệ thống lại một số nội dung ở chương trình lớp 10 và 11.

“Ngoài nắm vững các khái niệm, nội dung trong sách giáo khoa, học sinh phải vận dụng được các kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, chú ý đến những nội dung tích hợp của các lĩnh vực như an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng. Để khắc sâu kiến thức và rèn kỹ năng làm bài, các em cần làm bài tập trong sách giáo khoa và tìm thêm các đề minh họa, đề thi chính thức những năm trước đây để rèn luyện” – thầy Ngọc tư vấn.

Cô Trương Thị Thu Trang – giáo viên Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hướng dẫn cho học sinh phương pháp ôn tập môn Lịch sử: “Riêng với môn Lịch sử, hàm lượng kiến thức rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi các mốc sự kiện, tên nhân vật, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Vì thế, học sinh cần chú trọng hệ thống hóa toàn bộ kiến thức thông qua sơ đồ tư duy hoặc áp dụng công thức “5W - 1H” (What - sự kiện gì đã xảy ra, When - sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who - sự kiện gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào…, Where - gắn với địa điểm, không gian nào và How - diễn ra như thế nào)”.

Ngoài ra, theo cô Thu Trang, học sinh cần tránh học vẹt, học tủ vì trong môn Lịch sử có nhiều kiến thức mặc dù khác nhau thời gian nhưng đọc qua lại dễ nhầm lẫn, ví dụ như sự kiện Điện Biên Phủ 1954 và Điện Biên Phủ trên không 1972; hay Hội nghị Ianta và Hội nghị Vecxai – Wasington”. Để không nhầm lẫn giữa các sự kiện, các chiến dịch... học sinh có thể ghi nhớ theo các từ khóa quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ