Chơi mà học qua bài làm quen tiếng Anh

GD&TĐ - Đối với trẻ mầm non, việc làm quen với ngôn ngữ thứ hai càng phải được trải nghiệm một cách tự nhiên. Các nhà quản lí, làm công tác giáo dục trẻ mầm non khi cho trẻ làm quen với tiếng Anh đã chọn lựa phương pháp giáo dục phù hợp với cách thức tiếp nhận thông tin của trẻ theo cách được “chơi” mà “học”. 

Trẻ có thể tiếp cận với tiếng Anh qua hình vẽ
Trẻ có thể tiếp cận với tiếng Anh qua hình vẽ

Bằng phương pháp này, cách thức xây dựng hoạt động và trò chơi cho trẻ dựa trên đặc điểm tâm sinh lý và đáp ứng năng lực tư duy đã giúp cho trẻ tiếp thu rất nhanh.

Thời điểm “vàng” cho trẻ học tiếng Anh

Nhiều người cho rằng, việc học tiếng Anh đòi hỏi phải có năng khiếu về ngôn ngữ. Có người học tiếng Anh hơn 10 năm nhưng vẫn khó khăn khi trình bày câu gãy gọn nhưng có người học vài tháng lại giao tiếp lưu loát. Nguyên nhân do phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động dẫn đến từng người học. Song nếu muốn thành công trong việc học một loại ngôn ngữ thì việc xác định phương pháp học tập phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin của bản thân người học sẽ là yếu tố quyết định hàng đầu.

Vậy tuổi nào học tiếng Anh hiệu quả nhất? Sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu được hỏi thời điểm nào để chúng ta bắt đầu làm quen tiếng Anh một cách tự nhiên nhất, chúng ta đã có câu trả lời mà các nhà khoa học nghiên cứu về giáo dục đã chứng minh: Đó là thời điểm vàng từ 0 - 6 tuổi.

Các nghiên cứu về sự phát triển bộ não của trẻ khẳng định, việc học ngoại ngữ ở lứa tuổi nhỏ dễ dàng hơn, vì đến 12 tuổi các “cửa sổ” học tập của não đóng lại một phần, các kiến trúc nền tảng của não tương đối hoàn chỉnh.

Cùng với đó, để trẻ học tốt ngoại ngữ, môi trường giao tiếp cũng rất quan trọng. Với những đứa trẻ học ngoại ngữ trong môi trường bản ngữ sẽ nhanh hơn những đứa trẻ học trong môi trường lớp học với thầy cô giáo là người Việt. Hơn nữa, viêc học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ càng sớm càng tốt, bởi vì để học thuần thục một ngôn ngữ nào đấy đòi hỏi một quá trình kéo dài nhiều năm.

ThS Lâm Ngọc Bích, giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường CĐSP Trung ương Nha Trang cho biết: “Việc cho trẻ làm quen với một loại ngôn ngữ nào đấy cũng tương tự với việc cho trẻ làm quen với các sự vật hiện tượng trong môi trường sống của trẻ. Thay vì để trẻ nói: “Quả táo” và chỉ vào hình “quả táo”, chúng ta có thể làm thêm từ “apple” vào bên cạnh. Tất cả đều hướng đến việc hình thành cho trẻ vốn biểu tượng về quả táo trong phạm vi: Biểu tượng thật và biểu tượng tượng trưng bằng hình ảnh hoặc ngôn ngữ.

Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta đưa quả táo cho trẻ cầm, sờ, ngửi, nếm thì trẻ sẽ tiếp nhận thông tin để ghi nhớ nhanh, lưu giữ lâu. Có trường hợp chúng ta sẽ nói hoặc hát cho trẻ nghe về quả táo trước khi cho trẻ nhìn thấy quả táo thì thông tin sẽ được trẻ tiếp nhận nhanh và bền hơn”.

Học tiếng Anh thông qua các trò chơi

Theo ThS Lâm Ngọc Bích, đối với những năm đầu đời của trẻ (từ 0 - 6 tuổi) chúng ta cần kích hoạt não phải cho trẻ dưới các hình thức trò chơi để trẻ học kỹ năng và làm quen với kiến thức. Đối với việc cho trẻ làm quen cũng vậy, chúng ta chỉ cần đưa ra phương pháp xây dựng các hoạt động và trò chơi phù hợp với tâm lý và nhận thức của trẻ.

Chúng ta có thể cho trẻ làm quen tiếng Anh theo phương pháp Visual (trực quan). Theo phương pháp này có hai hướng xây dựng trò chơi: Hình ảnh - ngôn ngữ và hình ảnh - không gian. Đối với trẻ mầm non, chúng ta xây dựng trò chơi theo hướng hình ảnh, không gian sẽ gây hứng thú và kích thích phản ứng thị giác nhiều hơn. Nguyên tắc xây dựng hoạt động hoặc trò chơi theo Visual là kích thích trẻ khả năng hình dung, tưởng tượng về đối tượng. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị vật dụng hỗ trợ những hình ảnh minh họa, sơ đồ, flash card, tất cả các vận dụng, bao bì có thể hiện tiếng Anh.

Ví dụ: Thay vì nói với trẻ “It’s a fish” (đây là con cá) hoặc “fish” (cá) thì chúng ta cần nói với trẻ chính xác tên loài cá, chẳng hạn là: Dolphin (cá heo), shark (cá mập), goldfish (cá vàng)… Sau đó có thể tổ chức các trò chơi có liên quan đến các loại cá; ghép hình các con cá sau đó đọc tên…

Hoặc cho trẻ làm quen tiếng Anh theo phương pháp Auditory (thính giác). Phương pháp này chủ yếu kích thích vào tai nghe của trẻ bằng cách vận dụng các bài hát, câu chuyện, thay đổi nội dung bài hát trên cùng một giai điệu và kèm theo hình ảnh minh họa. Ví dụ một số bài hát: Five little monkeys (5 chú khỉ con); Five little piggies (5 chú heo con); Five little teddy bears (5 chú gấu bông); Five little ducks (5 con vịt nhỏ)… Cô giáo có thể tổ chức cho trẻ thi hát có gọi tên các con vật, giúp trẻ nhớ, phát âm chính xác tên con vật.

Hoặc cho trẻ làm quen tiếng Anh theo phương pháp Kinesthetic (cảm giác vận động). Khi xây dựng hoạt động trò chơi cho trẻ theo phương pháp này, chúng ta hướng đến tạo cơ hội cho trẻ được tiếp cận thông tin như: Sờ, ngửi, cầm nắm, di chuyển và quan trọng là phải tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm trên chính đối tượng trẻ tiếp xúc.

Để cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh đạt hiệu quả, cần thiết phải có phương pháp mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn và từng kiểu phong cách học. Việc tìm hiểu và chọn lựa các tài liệu giảng dạy đạt chuẩn và thích hợp với từng lứa tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập của trẻ. Trẻ nhỏ có mức độ tập trung chú ý thấp nên phương pháp “học bằng chơi” theo mức độ tăng dần khả năng chú ý sẽ giúp trẻ tiếp thu hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ