Cho trẻ quyền lựa chọn

GD&TĐ - Chọn trường nào, học ở đâu vẫn là “bài toán đến hẹn lại lên” mỗi mùa chuyển cấp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Bài toán này đã gây ra không ít hệ lụy, với những tình huống “cười ra nước mắt”.

Cho đến giờ, hình ảnh thầy giáo đứng trên cổng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trưa 9/4 để điều tiết giao thông, phía dưới là “biển người” nhốn nháo khiến dư luận không khỏi nhức nhối. Cảnh tượng này xuất hiện sau khi hơn 4.000 học sinh hoàn tất bài kiểm tra, khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 năm học 2023 - 2024 của nhà trường. Hàng nghìn phụ huynh chờ đợi trước cổng trường khiến cảnh tượng như “chợ vỡ”. Để điều tiết, một thầy giáo đã phải trèo lên cổng trường, dùng loa kêu gọi phụ huynh trật tự.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra cảnh hỗn loạn trước cổng trường học ở Hà Nội. Hẳn khó ai có thể quên vụ việc phụ huynh dầm mưa, xếp hàng xuyên đêm trước cổng một trường học để xin cho con vào lớp 1. Thậm chí, một số phụ huynh ném ghế, các vật dụng khác, rồi xô đổ cánh cổng sắt để xông vào bên trong trường. Bảo vệ của trường này đã phải bắc loa kêu gọi mọi người không chen lấn xô đẩy nhưng bất thành.

Vẫn biết, lớp đầu cấp có ý nghĩa quan trọng trong quá trình học tập của các em; nhất là với THCS - cấp học quan trọng trong việc đầu tư tri thức, giúp các em tích lũy kiến thức cho cấp học sau. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh quan tâm, lựa chọn trường học cho con em mình khi chuyển cấp, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội.

Việc chọn trường cho con xuất phát từ tâm lý lo lắng của phụ huynh với con cái. Mong muốn con được phát triển toàn diện của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng nên có thể thấu cảm. Chẳng thế mà trong vô vàn lý do chọn trường học cho con em mình, phụ huynh thường viện dẫn danh tiếng, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, vị trí ngôi trường và điều kiện tài chính…

Trên thực tế, không có trường xấu, mỗi trường sẽ mang lại giá trị nhất định cho học sinh. Vì thế, trường này có thể tốt với phụ huynh A, nhưng chưa tốt với phụ huynh B. Tốt - xấu ít nhiều phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Bên cạnh đó, mong muốn và kỳ vọng của phụ huynh chưa chắc là tối ưu và tốt nhất cho trẻ. Vô hình trung, phụ huynh đã tự tạo áp lực cho chính mình và có thể chuyển hóa sang trẻ, gây mệt mỏi cho con em, thậm chí là “ép trái chín non”. Điều này có thể khiến các em chán nản, không thích đến trường và mất đi động lực học tập. Khi đó, chúng ta đã vô tình biến những năm tháng tuổi thơ cắp sách đến trường của các em trở thành chuỗi ngày căng thẳng và sợ hãi.

Thay vì bằng mọi giá để cho con vào học “trường tốt, lớp xịn”, hãy quan tâm đến cảm xúc của trẻ, khoảng cách địa lý và các điều kiện tối ưu khác. Chọn trường vì con, chứ không phải vì bố, mẹ. Hãy để các em tự cảm nhận mình có phù hợp với trường lớp đó không. Nếu trẻ thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường, kính trọng thầy cô giáo, hòa đồng với bạn bè và có động lực trong học tập… thì đó chính là trường học phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.