Cho phép sử dụng phẩm màu E102 trong chế biến thực phẩm

Cho phép sử dụng phẩm màu E102 trong chế biến thực phẩm

(GD&TĐ)-Trước thông tin trái chiều về việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm, cụ thể là phẩm màu Tartrazine (E102) trong chế biến thực phẩm gây hoang mang cho người tiêu dùng, ngày 21/7, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam đã có thông báo chính thức về vấn đề này.

n
Người tiêu dùng quay lưng với mỳ tôm sau khi nhận được thông tin về chất phụ gia thực phẩm không an toàn (ảnh MH)

Theo đó, sau khi nhận được đề nghị của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm về việc cung cấp thông tin rõ ràng về vấn đề trên, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam đã tham khảo ý kiến các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các cơ quan, tổ chức quốc tế về phụ gia thực phẩm tại Hội nghị Đại đồng Codex thế giới và có kết luận như sau:

Phẩm màu E102 đã được JECFA cũng như Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) thống nhất quy định mức ăn vào hằng ngày chấp nhận được (ADI) là 7,5mg/kg thể trọng/ngày.

E102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (cập nhật 2010) với số hiệu INS102, có quy định đặc tính kỹ thuật, mức ADI=7,5.

Cho đến nay, các nước EU, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm. Các Điều khoản quy định mức tối đa (ML) của E102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau.

Nhiều tiêu chuẩn Codex có nêu rõ mức tối đa trong sản phẩm. Ví dụ, tiêu chuẩn Codex cho mỳ ăn liền quy định mức ML cho Tartrazine là 300mg/kg; cho  tương ớt  ở mức Tartrazine là 100mg/kg.

Ban Kỹ thuật về phụ gia thực phẩm của Ủy ban Codex Việt Nam cũng khẳng định E102 được sử dụng trong chế biến thực phẩm, đồng thời kiến nghị tăng cường quản lý để bảo đảm việc sử dụng phụ gia thực phẩm nói chung và phẩm màu Tartrazine đúng mục đích và liều lượng theo quy định.

Vấn đề phẩm màu E102 cũng được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hết sức quan tâm. Mới đây nhất, Cục đã tham khảo ý kiến các chuyên gia và đã tư vấn trực tiếp với các chuyên gia về phụ gia thực phẩm tại hội nghị Đại hội đồng Codex thế giới lần thứ 34 tại Giơ-ne-vơ Thụy Sỹ (4-10/7/2011).

Năm 2009, trước thông tin một số kết quả nghiên cứu đơn lẻ cho rằng E102 có thể gây dị ứng, Cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu, Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) đã giao các Ủy ban Khoa học của mình nghiên cứu lại và kết quả cho thấy: Chưa đủ bằng chứng cơ sở khoa học để kết luận E102 gây các tác động mà một vài nghiên cứu nói trên nêu ra.

Hiện tại chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế việc sử dụng phầm màu này do lo ngại vấn đề dị ứng thức ăn vốn ở một tỷ lệ cao trong cộng đồng dân cư mà khó phân biệt dị ứng có thể do E102 hay do bản thân thực phẩm, còn hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm.

Từ năm 1978, việc sử dụng các chất tạo màu tổng hợp trong thực phẩm đã bị cấm ở Na Uy do nó có những ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

E102 là ký hiệu để chỉ chất tạo màu Tartrazine trong thực phẩm. Đây là chất bột màu vàng tan trong nước, thường được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng kết hợp với các chất E133 Brilliant Blue FCF hay  E142 Green S sẽ tạo ra màu xanh trên thực phẩm.

Tartrazine gây ra các dị ứng với những người mẫn cảm Aspirin và bệnh nhân hen. Số lượng không dung nạp Tartrazine ước tính khoảng 360.000 người ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng 0,12% dân số nước này. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA), Tartrazine là nguyên nhân gây phát ban cho 1 trong số 10.000 người, tương đương 0,01%.

Ngoài ra, tại quốc gia này, chất tạo màu tổng hợp được coi là không cần thiết trong thực phẩm. Khi Na Uy triển khai thực hiện Chỉ thị của Liên minh châu Âu về phụ gia thực phẩm năm 2001, thì việc sử dụng chất tạo màu trong thực phẩm đã có sự thay đổi.

Hiện nay, không có sự khác biệt giữa những quy định về việc sử dụng phụ gia thực phẩm ở Na Uy và các nước thành viên châu Âu, ngoại trừ các yêu cầu ghi nhãn.

Theo quy định của Uỷ ban châu Âu (EC) về việc ghi nhãn đối với những thực phẩm không phải hàng đóng gói sẵn, nếu sử dụng chất tạo màu không cần phải ghi nhãn.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng, Na Uy đã quyết định buộc tất cả các sản phẩm trên thị trường nước này phải dán nhãn có sử dụng màu thực phẩm dù được đóng gói sẵn hay không. Còn chất tạo màu Tartrazine (E102) đã bị cấm hoàn toàn ở quốc gia Bắc Âu này

Còn tại Việt Nam việc sử dụng phầm màu E102 đã quy định cho phép sử dụng trong thực phẩm. Theo đó, nếu sử dụng đúng hàm lượng quy định thì vẫn bảo đảm an toàn.

Xuân Kiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ