(GD&TĐ)-Trong khi các sinh viên may mắn có được chỗ ở trong ký túc xá đã tạm yên tâm chuẩn bị tâm thế cho năm học mới thì còn không ít sinh viên, kể cả “ma mới” và “ma cũ” vẫn đang chật vật tìm chỗ ở trọ.
Tân sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội may mắn được ở trong KTX khang trang. Ảnh: gdtd.vn |
Nhà trọ: giá trên trời
Sau thời gian nghỉ hè, lên Hà Nội, cô sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội Nguyễn Thị Lý mới té ngửa vì chủ nhà trọ đã cho người khác thuê phòng mình đang ở. Vận động cả bạn bè, người thân nhưng hàng tuần lễ Lý vẫn chưa tìm được nơi ở mới vì phòng ở mức tầm tầm đã kín chỗ. Không còn cách nào khác, Lý đành phải cắn răng thuê một phòng mà với một sinh viên như cô quả là giá trên trời ở khu Mễ Trì sau đó năn nỉ hai người bạn về ở cùng. “Hiện chúng em phải trả trên 2 triệu đồng một tháng tiền nhà. Nhưng tiền phòng đắt là một lẽ, xót nhất là tiền nước một tháng. Chủ nhà không tính theo công tơ mà cứ “chém” 100 nghìn đồng một người một tháng. Như vậy, chỉ tiền nước bọn em đã phải trả 300 nghìn một tháng rồi”.
Còn với tân sinh viên trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Thị Thảo, một mình lên Hà Nội nhập học, cha mẹ cho trên 1 triệu đồng một tháng cho tất cả khoản chi tiêu, để thuê được nhà trọ gần trường với em là điều bất khả thi. Thảo cho biết: Bố em làm ruộng, mẹ là giáo viên mầm non lương cả tháng chỉ trên 1 triệu đồng. Thu nhập của cả gia đình em ở quê hiện tại dồn vào cũng không đủ cho em ăn học ở trên Hà Nội mà phải dựa cả vào vay ưu đãi cho HSSV. Vì vậy em chấp nhận thuê nhà ở Cổ Nhuế, cách trường khoảng gần 10 cây số, dù xa nhưng giá cả phòng trọ cũng như giá sinh hoạt phải chăng hơn khu gần trường rất nhiều.
Có thể nói, thời điểm này khó có thể tìm được phòng trọ ở những khu vực tập trung đông trường ĐH như Cầu Giấy, Bách Khoa... Mặc dù giá phòng trọ ở những khu vực này rất cao nhưng vẫn luôn trong tình trạng kín chỗ. Nhiều “cò” phòng trọ đã lợi dụng thực tế này để trục lợi, lừa đảo sinh viên lấy tiền hoa hồng khiến không ít sinh viên mất tiền, thời gian mà vẫn không tìm được nhà trọ như ý. Cũng xuất phát từ nhu cầu rất cao về phòng trọ của sinh viên mà nhiều trang mạng môi giới cho thuê nhà trọ ra đời. Đây cũng là một dạng “cò” nhà trọ mà nếu không cẩn thận, sinh viên sẽ không chỉ tiền mất mà còn rước phiền phức, rắc rối vào mình.
KTX: thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Có vô vàn các lý do để các sinh viên vẫn mong muốn mình được ở trong KTX: giá rẻ, gần trường học, thư viện, an toàn... Nhưng thực tế là hầu hết các trường đều chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu này. Thậm chí có những trường chỉ đáp ứng được trong khoảng trên dưới 10% chỗ ở trong KTX như ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Dược, ĐHQG Hà Nội... Thậm chí, KTX trường ĐH Ngoại Thương chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu nội trú... Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế các trường ĐH chỉ có thể đáp ứng được từ 10 - 20% chỗ ở nội trú cho sinh viên.
Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Ban quản lý KTX trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường có tổng số 4.500 chỗ ở nội trú, trong đó dành ra gần 1.200 chỗ cho các tân sinh viên. Tiền thuê phòng giao động từ 120 đến 170 nghìn đồng mỗi tháng (tiền điện tính theo chỉ số đồng hồ, tiền nước mỗi tháng đóng thêm 15 nghìn mỗi em) là các em đã có một chỗ ở an toàn, sạch sẽ và khép kín. Năm nay, số chỗ ở tăng gần 200 chỗ so với năm ngoái. Bên cạnh 5 khu nhà khép kín, sinh viên có thể ở 3 khu nhà không khép kín với giá 100 nghìn đồng/tháng.
Thế nhưng, một thực tế là, có không ít sinh viên sau khi đã xin được vào ở KTX rồi lại xin ra. Có mặt ở Ban quản lý KTX ĐH Bách khoa Hà Nội thời điểm các sinh viên nhập học được khoảng 1 tuần nhưng tại đây vẫn có biển thông báo KTX còn chỗ. Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng chưa đầy 15 phút nhưng đã có hai trường hợp phụ huynh đến xin chuyển cho con em ra khỏi KTX với lý do có người thân cho ở nhờ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những trường hợp xin ra này đều được xếp ở những dãy nhà không có công trình phụ khép kín, cơ sở vật chất kém hơn so với khu khác. Chỗ ở trống phần nhiều là ở những dãy nhà này.
Một số tân sinh viên trường ĐH Xây tâm sự, trước khi vào ở trong KTX, nhiều anh chị cảnh báo ở KTX có nhiều vấn đề như tụ tập rượu chè, tệ nạn cờ bạc, nghiện game. Những sinh viên này cho biết, nếu thực tế đúng như vậy sẽ chuyển ra thuê nhà bên ngoài chứ không tiếp tục ở KTX.
Hiếu Nguyễn