Đây thực sự là một sự cố đáng tiếc của người lớn, khi biết chó cắn con của mình nhưng cha mẹ của bé đã không đưa con tới trung tâm y tế để tiêm phòng bệnh dại.
Việc lơ là khi để con trẻ vô tư chơi với vật nuôi trong nhà đã là điều đáng trách, đáng trách hơn nữa khi trẻ bị vật nuôi cắn, gia đình cũng không nghĩ tới việc đưa con đến trung tâm y tế khám và tiêm chủng.
Đây là sự việc không mới, thậm chí khá phổ biến ở nước ta, với những hậu quả vô vùng đáng tiếc. Đáng nói, ngay với người lớn cũng gặp phải tình trạng này. Cách đây chưa lâu, cũng tại Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hà, trú tại thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) bị chó nuôi trong gia đình cắn.
Con chó này còn cắn 6 người khác, nhưng những nạn nhân này đã đến ngay trung tâm y tế huyện tiêm phòng, nhờ đó đều không có vấn đề gì về sức khỏe.
Riêng chị Hà, lại chủ quan vì nghĩ con chó mới đẻ, dữ, nên không đi tiêm phòng dại. Một thời gian sau, chị Hà có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Đáng buồn hơn, lúc gặp nạn, chị Hà đang mang thai. Con chó dại sau đó đã bị người dân đập chết rồi tiêu hủy.
Việc tiêm phòng dại cho chó nuôi tại các gia đình ở hầu hết các địa phương bấy lâu nay còn lơ là, lỏng lẻo. Không chỉ người dân nuôi chó chủ quan, ít coi trọng việc tiêm phòng dại cho vật nuôi là cần thiết, mà chính quyền, nhà chức trách của các địa phương cũng chưa kiên quyết, “siết chặt” việc các hộ nuôi chó phải mang chó tới tiêm phòng bệnh dại theo định kỳ là bắt buộc.
Thông thường, để hạn chế bệnh dại phát sinh ở chó nuôi thì sau khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng, tính từ lúc con chó sinh ra là phải tiêm phòng cho nó.
Sau 2 lần tiêm lúc còn nhỏ ấy thì khi chó trưởng thành nên duy trì 1 năm/lần tiêm phòng thì sẽ đảm bảo an toàn trong việc triệt tiêu bệnh dại trong con chó ấy.
Mặt khác, với các gia đình có trẻ nhỏ thì tốt hơn hết không nên nuôi chó, mèo, bởi trong lúc các em chơi, đùa nghịch với vật nuôi, rất có thể chúng bị vật nuôi cắn, làm trầy xước da mà người lớn không để ý nên không hay biết để đưa các em đi tiêm phòng bệnh dại.
Nếu gia đình nào có nuôi chó, mèo thì cũng hết sức thận trọng, khi ngoài việc tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi để ngăn ngừa, diệt trừ mầm mống bệnh dại, thì khi con trẻ bị chó, mèo cắn, cào làm trầy xước, chảy máu... thì bắt buộc phải xử lý vết thương đồng thời ngay tức khắc đưa trẻ tới trạm xá, trung tâm y tế, bệnh viện để tiêm phòng nhằm ngăn ngừa hậu họa đáng tiếc xảy ra...