Chỗ của xấu hổ

Ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi gay gắt không chỉ quanh việc nên hay không nên, mà còn động chạm đến cả những vấn đề rộng lớn, khó định lượng như bản sắc, văn hóa, sự liêm sỉ, nỗi xấu hổ… của quốc gia, cá nhân.

Sáng 15/4, tôi đánh cụm từ “thầy Tây ăn xin”, chỉ trong vòng 0,42 giây, trang mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google đã cho ra 31,4 triệu kết quả. Tất nhiên, kết quả đó không chính xác tuyệt đối, nhưng rất nhiều thông tin liên quan đến sự việc được đề cập. Thông tin mới nhất, là những diễn biến đảo chiều đáng suy ngẫm, cả với thầy giáo Tây cũng như sự ứng xử của người Việt. Tóm lại, quá bất ngờ vì được hỗ trợ rất nhiều, thầy giáo Tây đã nói lời từ chối và đề nghị “xin hãy giúp đỡ người khác, tôi đã đủ thức ăn rồi”.

Điều đó không chỉ dừng lại ở tấm biển “giúp tiền để mua thức ăn” mà thầy giáo Tây cầm nữa, mà nó đã chạm tới lòng tự trọng, nỗi xấu hổ của nhân vật chính, cũng như câu chuyện lòng từ bi, sự hào phóng của người Việt. Tất nhiên, ý kiến trái chiều vẫn còn nhiều, ví như những điều đó có được đặt đúng chỗ…

Cũng trong những ngày qua, rất nhiều thông tin, hình ảnh, video clip lan truyền chóng mặt trong xã hội về việc nhiều người không thuộc diện nghèo khó nhưng vẫn tranh thủ, tham lam lấy đồ hỗ trợ dành cho những đồng bào mình có hoàn cảnh khó khăn hơn, rất cần sự trợ giúp. Đó là điều phản cảm, rất đáng lên án, khi sự xấu hổ không hiện diện trong con người hành động sai trái, không suy nghĩ về đồng bào mình đáng thương, yếu thế hơn…

Đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống người dân khắp nơi, cả thế giới chứ không riêng Việt Nam, chịu ảnh hưởng nặng nề. Kinh thế suy thoái. Thất nghiệp. Thiếu lương thực, thực phẩm… Thế nên, câu chuyện thầy giáo Tây cầm tấm biển xin người qua đường “giúp tiền để mua thức ăn” cũng dễ cảm thông, bởi cá nhân ông đã hết cách, cùng đường. Nhưng nó còn hơn nhiều những người Việt không thuộc diện hỗ trợ vẫn “ăn chặn”, “tranh cướp” của đồng bào mình ở những địa điểm từ thiện...

Rộng hơn, trong thời dịch dã kinh hoàng, khó lường này, đôi khi chúng ta thấy được những điều, những việc bình thường khó diễn ra, ít người quan sát, chiêm nghiệm. Và khi chỗ đứng của sự xấu hổ lùi đi, nhường lại cho sự liêm sỉ, sự biết trân quý, tôn trọng cộng đồng, nâng cao giá trị con người, bản sắc Việt Nam đối với thế giới, dù thông qua một trường hợp cụ thể là thầy giáo Tây, cũng “đánh thức” ít nhiều nghĩ suy, hành động của mỗi người…

Để rồi, nỗi xấu hổ, sự liêm sỉ, lòng tự trọng - những điều thuộc về nhân cách con người - dần dà có chỗ đứng trong đời sống thường ngày, ở mỗi người. Như thế, cuộc sống chắc sẽ đáng trân quý hơn. Bởi, như tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nga Leo Tolstoy từng nói rằng: “Biết xấu hổ trước mọi người là một cảm xúc tốt. Nhưng tốt hơn hết là biết xấu hổ trước chính bản thân mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.