Chính sách theo kịp thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2023, có nhiều chế độ, chính sách có hiệu lực, tiếp tục củng cố niềm tin, lòng yêu nghề của thầy, cô giáo.

Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Bước sang năm 2024, giáo viên kỳ vọng được tiếp thêm luồng sinh khí mới từ những chủ trương, quyết sách thiết thực với nghề giáo.

Chính sách đi vào cuộc sống

Từ miền quê Ninh Bình, sau khi tốt nghiệp, thầy Trần Văn Tuyển tình nguyện lên huyện Mường Tè (Lai Châu) dạy học. Sau đó, thầy được điều động về Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng. Đến nay, thầy đã có gần 20 năm đứng trên bục giảng.

Nhẩm tính, thầy Trần Văn Tuyển cho hay, tổng thu nhập của thầy được hơn 20 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền lương và phụ cấp thâm niên, phụ cấp lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn).

“Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT mà đời sống của giáo viên vùng khó khăn ngày càng khởi sắc. Đó là động lực, niềm tin để chúng tôi bám trường, lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp ‘trồng người’ nơi vùng khó”, thầy Trần Văn Tuyển quả quyết và chia vui, Tết này, sẽ tươm tất, ấm cúng.

Thời gian qua những chính sách về phụ cấp thâm niên, thu hút, ưu đãi... dành cho đội ngũ nhà giáo nói chung và giáo viên vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng rất thiết thực, thầy Chu Văn Vụ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) khẳng định.

Qua đó, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, giáo viên và chạm đến trái tim, xúc cảm của nhiều người. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ GD&ĐT đi vào cuộc sống. Đó là sự bù đắp đúng đắn, bền vững nhất dành cho đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với thầy, cô giáo vùng biên giới, hải đảo, đặc biệt khó khăn.

Bước “nhảy vọt”

Năm 2023, một trong những chính sách được giáo viên cả nước mong đợi là quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Phấn khởi khi được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng II, cô Trần Thị Mai Trâm –Trường Mầm non Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng) bộc bạch: “Tôi đã được chuyển xếp lương theo bằng cấp. Nhờ đó thu nhập có bước “nhảy vọt” so với năm trước (hưởng lương theo bằng trung cấp, dù đã có bằng đại học – trên mức chuẩn trình độ)”.

Lý giải về việc này, cô Trần Thị Mai Trâm cho hay, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, Thông tư 08 đã sửa đổi một số điểm nổi bật như: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ; giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm; giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang mới…

“Đây là một trong những thông tư được giáo viên mong đợi nhất vì liên quan “sát sườn” đến quyền lợi; trên hết thể hiện động viên, khích lệ và chăm lo đội ngũ thầy, cô giáo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT”, cô Trần Thị Mai Trâm chia vui và cho biết nguyện bám trường, lớp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách cho nhà giáo mang tính căn cơ, thống nhất và khoa học, nữ giáo viên mong Quốc hội sớm thông qua Luật Nhà giáo. “Tôi kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc, trở ngại nổi cộm của ngành Giáo dục trong thời điểm hiện tại sẽ được điều chỉnh, tháo gỡ khi có Luật Nhà giáo”, cô Trâm bày tỏ.

Với trên 1,6 triệu nhà giáo sẽ còn nhiều mong đợi để công việc tốt hơn. Song, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, công bằng và khách quan mà nói, công tác chăm lo cho đội ngũ nhà giáo trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng khởi sắc. Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2023 đã giúp thu nhập của giáo viên được cải thiện đáng kể. Qua đó thầy cô phần nào bảo đảm cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.

“Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên sẽ thay đổi đáng kể khi chúng ta thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trước Quốc hội, lương giáo viên sẽ được xét vào thang bảng lương cao nhất. Mong rằng, giáo viên sẽ bớt khó khăn về vật chất; từ đó không còn thầy cô bỏ nghề vì áp lực cuộc sống do thu nhập thấp”, bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Tạo “đòn bẩy” cho đổi mới giáo dục

Liên quan đến phát triển đội ngũ nhà giáo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao đổi, năm 2024 - 2025 sẽ có lứa sinh viên sư phạm đầu tiên được đào tạo theo chuẩn Chương trình GDPT 2018 ra trường.

Đội ngũ này tạo nguồn nhân lực lớn cho ngành Giáo dục và khẳng định thành công của chương trình. Sang năm mới, mong các cơ sở giáo dục, thầy, cô giáo tiếp tục thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới hiệu quả, nền nếp hơn; từ đó tạo sự đồng thuận cao hơn trong toàn xã hội.

Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, muốn có nền giáo dục chất lượng cao cần thu hút nhiều người giỏi vào học sư phạm. Muốn vậy, một trong những giải pháp khả thi là quan tâm chăm lo cho đội ngũ giáo viên hiện tại bằng chế độ, chính sách thiết thực, để các thầy, cô không phải tất bật lo chuyện “cơm áo, gạo tiền” trong cuộc sống thường nhật.

“Vẫn biết, khi đã chọn nghề giáo, nghĩa là không phải công việc để làm giàu nhưng tối thiểu phải đảm bảo thầy cô có thể sống được bằng nghề. Làm sao để học sinh, sinh viên thấy việc dạy học là vinh quang, cao quý, nơi người giỏi được khẳng định mình và ghi nhận”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề.

Trên tinh thần đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin các thầy, cô giáo luôn kiên trinh với nghề giáo và tiếp tục vượt qua khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ và nhấn mạnh: Trong quá trình đổi mới, các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh môi trường làm việc theo hướng gia tăng dân chủ, tạo điều kiện để nhà giáo được sáng tạo, thể hiện mình tốt hơn và có cơ hội được phát triển, hỗ trợ.

Là người “trong cuộc”, cô Châu Thanh Tuyền - Trường Tiểu học A An Phú (Tịnh Biên, An Giang) cho rằng, vì nhiều lý do khách quan, một số cơ chế, chính sách với nhà giáo chưa được hiện thực hóa.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cô Châu Thanh Tuyền trong giờ lên lớp. Ảnh: NTCC

Cô Châu Thanh Tuyền trong giờ lên lớp. Ảnh: NTCC

Chẳng hạn, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này chưa thành hiện thực.

“Chúng tôi mong chủ trương trên sớm trở thành hiện thực, bởi đó là giải pháp thiết thực nhằm thu hút và giữ chân người giỏi cho ngành Giáo dục”, cô Châu Thanh Tuyền bày tỏ và nhìn nhận, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo sẽ tác động đến yếu tố: Tạo ra môi trường làm việc tốt; trân trọng cống hiến của nhà giáo. Trước mắt, hạn chế tình trạng “chảy máu” chất xám nội ngành khi tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương.

Thực tiễn khách quan cho thấy, ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi, cần xây dựng môi trường làm việc để giáo viên có đất “dụng võ”, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm; đồng thời đặt vấn đề: Làm sao để giáo viên gắn bó lâu dài với ngành Giáo dục, nhất là những người giỏi, kinh nghiệm tốt. Muốn vậy, một trong những giải pháp là xây dựng môi trường làm việc phải thoải mái, hạnh phúc để những tâm huyết, sáng tạo của thầy, cô giáo có điều kiện phát triển.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, chế độ chính sách và môi trường làm việc là hai yếu tố căn bản, cốt lõi, tạo “đòn bẩy” cho đổi mới giáo dục. Theo đó giáo viên là nhân vật trung tâm, lực lượng nòng cốt. Trên tinh thần đó, các địa phương cần có thêm chính sách phù hợp đối với giáo viên như: Hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ…

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các địa phương cần xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về dạy học. Qua đó, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cũng cần có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ