Dự phiên giải trình, về phía Quốc hội ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Phan Viết Lượng, Nguyễn Thị Mai Hoa, Đặng Xuân Phương và đại diện các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Các bộ ngành có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo các cục, vụ chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ.
Chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch Covid-19
Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 và đây là năm học thứ hai Ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, đặc biệt là sự sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành và các địa phương, sự quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ và sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các đơn vị, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong ứng phó với dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động để ban hành các văn bản phù hợp trong tổ chức triển khai dạy học nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới ngành Giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch Covid-19 nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các địa phương đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý, đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai và thực hiện kế hoạch dạy học.
Theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản tăng cường hướng dẫn công tác phòng chống Covid-19. Trong đó, công văn số 796/BYT-MT của Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Về tình hình tổ chức dạy và học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Công điện gửi Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới. Các địa phương đã chủ động linh hoạt thích ứng sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh trong phòng chống dịch.
Từ ngày 5/9/2021 đến tháng 2/2022, cơ bản các địa phương kiểm soát được dịch sẽ tổ chức dạy học trực tiếp.
Nhiều giải pháp kiên trì mục tiêu chất lượng
Chia sẻ về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học.
Trong điều kiện các địa phương phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, nhiều học sinh không được đến trường và nhiều cơ sở giáo dục được trưng tập làm cơ sở cách ly tập trung đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác dạy và học. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, bảo đảm học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục nhà trường theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; trực tiếp kết hợp trực tuyến; dạy học qua truyền hình.
Trong quá trình triển khai đã rất linh hoạt và sáng tạo ứng dụng các công nghệ để dạy học trực tuyến như dạy học qua facebook, zalo, email,…, qua các phần mềm ứng dụng hoặc hỗ trợ dạy học trực tuyến để hướng dẫn, giao bài tập đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và liền mạch. Lựa chọn nội dung, môn học và thời lượng phù hợp với từng khối lớp khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhất là đối với lớp 1 lớp 2 và lớp 6. Phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn học sinh học trên truyền và các nguồn học liệu đảm bảo chất lượng.
Đối với những học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến do không có thiết bị học tập, các thầy cô giáo đã in bài học, bài tập và chuyển đến tận tay học sinh trong thời gian giãn cách.
Mỗi cơ sở giáo dục đều xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy học trực tuyến của giáo viên, đảm bảo học sinh được tham gia học tập an toàn; phối hợp với cha mẹ học sinh tham gia đánh giá học sinh.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở Y tế tại địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh để chủ động xây dựng kế hoạch linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình, tính đến tháng 2/2022 toàn quốc các trường trung học đã hoàn thành xong kế hoạch học kỳ I năm học 2021-2022.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã xây dựng nguồn học liệu trực tuyến phong phú hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong điều kiện học tập trực tuyến và trực tiếp. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực dạy học trực tuyến. Triển khai hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh gặp khó khăn.
Tuy nhiên, việc triển khai học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học trực tuyến khác nhau giữa các địa phương, các gia đình học sinh, việc thiếu thiết bị gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học. Hiện tại, toàn xã hội cũng đã vào cuộc và khắc phục các điểm khó khăn về hệ thống đường truyền, trang thiết bị vật chất phục vụ cho học tập.
Nền nếp học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng, chưa chủ động tự giác học tập. Chất lượng học tập theo hình thức học trực tuyến bị hạn chế, không đảm bảo tính bình đẳng do điều kiện về cơ sở vật chất của địa phương. Cha mẹ học sinh còn lo lắng về sự an toàn của trẻ, về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến.
Lương và chế độ chính sách của giáo viên hợp đồng bị ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt thu nhập của giáo viên dạy hợp đồng theo buổi, theo tiết trong các cơ sở giáo dục công lập bị ảnh hưởng rất lớn; không được hưởng lương khi các trường tạm nghỉ học; một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập khi phải nghỉ dạy, không có lương có tâm lý rất lo lắng.
Kinh tế xã hội bị tác động, nhiều cơ sở giáo dục không thu đủ được học phí của người học, các nguồn thu từ dịch vụ hỗ trợ giảm. Trong khi đó nhiều khoản chi của cơ sở không thay đổi.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng SGK và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.
Chia sẻ nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; tổ chức triển khai dạy học trực tiếp trong tình hình mới; bảo đảm chất lượng giáo dục; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin và chuẩn bị các điều kiện dạy lới 3, lớp 7, lớp 10.
Có chính sách hỗ trợ đặc thù với giáo viên ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Đưa đề xuất, kiến nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiến nghị Quốc hội có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covdi-19. Tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp. Có chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập.
Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; Công bố thuốc và hướng dẫn dùng thuốc phòng, chống Covid-19 cho trẻ em. Đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.
Đồng thời, tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác y tế trường học, tăng cường nhân lực, bố trí người trực, cơ sở vật chất phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục; xây dựng giải pháp cho công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe của trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và xử trí tình huống F0, F1 trong trường học. Chuẩn bị các điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho năm học 2022-2023.