Chính sách mới cho FDI?

GD&TĐ - Dù có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh thua lỗ vẫn khá lớn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, theo Báo cáo tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2021 của Bộ Tài chính, về tổng quan, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 có sự tăng trưởng với doanh thu 8.567.847 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế là 83.585 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2020.

Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn từ nguồn tài trợ bên ngoài; các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện; nộp ngân sách chưa tương xứng với tổng mức đầu tư.

Đặc biệt, số doanh nghiệp FDI báo lỗ; doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị. Như năm 2019, chỉ có 45% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lãi, gần 66% số doanh nghiệp lỗ.

Năm 2020, số lượng doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh báo lỗ là 14.108/25.171 doanh nghiệp, chiếm tới 56% số doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lỗ 151.064 tỷ đồng.

Từ thực tế này, Bộ Tài chính đưa ra nhận định, việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực. Do đó, cần thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Còn theo Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022, hiện có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta, với số vốn thực hiện đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021 nhưng lượng vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt 27,71 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy nên, dù được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, dư địa để thu hút vốn FDI nhưng cùng với đó còn nhiều “điểm nghẽn” phải khơi thông để không chỉ thu hút được nhiều, mà còn hướng đến nguồn vốn FDI chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Nhận định này là hoàn toàn xác đáng bởi như phân tích của một chuyên gia thì hiện nước ta vẫn dùng công cụ ưu đãi về thuế và giá đất để thu hút vốn đầu tư. Thế nhưng các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng sẽ không còn giá trị vào đầu năm 2024 vì đây là thời điểm thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực ở hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, tư nhân đầu tư theo kỳ vọng, tức phụ thuộc vào triển vọng kinh tế kể cả bên ngoài và bên trong. Cho nên vấn đề là Nhà nước phải gửi được “tín hiệu” cho các nhà đầu tư rằng các vấn đề của nền kinh tế ngày càng tốt lên.

Thời gian qua, điều này đã được thực hiện thông qua việc các công trình hạ tầng, kết nối giữa các tỉnh, các vùng kinh tế đã và đang được đầu tư. Thế nhưng vẫn còn những “điểm nghẽn” về môi trường cạnh tranh, vốn, nguồn nhân lực, thực hiện tăng trưởng xanh… phải sớm được tháo gỡ để tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.

Năm 2022, vốn FDI thực hiện tại nước ta đạt 22,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, trong khi vốn FDI đăng ký mới đạt 27,71 tỷ USD, chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nếu nhìn nhận rộng - xa hơn thì đã đến lúc cần nhìn lại chiến lược thu hút FDI.

Đó là phải coi chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn những ưu đãi về thuế, đồng thời phải bảo đảm sự minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng và ban hành những chính sách mới trong thu hút FDI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ