Hà Nội kỳ vọng bứt phá từ doanh nghiệp FDI

GD&TĐ - Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật…

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu.
Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu.

Cam kết bảo đảm quyền lợi

Ngày 19/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có cuộc đối thoại tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại hội nghị, Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hà Nội cũng như cả nước phải đối mặt với dịch Covid-19 nhiều khó khăn, thách thức trong việc sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, sớm khôi phục và phát triển kinh tế, đưa Thủ đô Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.

Căn cứ tình hình thực tế, Hà Nội đã ban hành nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh song song với chăm lo bảo đảm cuộc sống cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đến nay, tổng mức chi hỗ trợ 1.550 tỉ đồng cho hơn 3,1 triệu người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh của TP Hà Nội trong thời gian qua, là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội chỉ chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và dân số chỉ chiếm khoảng 8,5% dân số của cả nước, tuy nhiên thành phố đóng góp khoảng 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Hà Nội thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 48,7 tỷ USD. Đặc biệt qua 2 năm 2018 và 2019, thành phố đã dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI với lần lượt 7,5 tỉ USD và 8,67 tỉ USD. Năm 2020, Hà Nội cũng đứng thứ 3 trên cả nước với số vốn là 3,83 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư kinh doanh tại Hà Nội vẫn đạt gần 1,3 tỷ USD dù đại dịch Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực.

Từ dẫn chứng cụ thể, Bí thư Dũng khẳng định: “Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội, và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài”.

Chính quyền TP đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thực hiện ngay việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho trên 31.000 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào khoảng 22.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ.

Thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho 650 người nộp thuế, với số tiền thuê đất được giảm vào khoảng 250 tỷ đồng theo quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong định hướng phát triển thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số...

Hà Nội cũng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu, kiến nghị tại Hội nghị.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu, kiến nghị tại Hội nghị.

Nhiều kiến nghị “nóng”

Theo ông Inouce, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), việc xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải.

Bên cạnh đó, phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh do có ca nhiễm cộng đồng gây cản trở cung cấp vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất nhu yếu phẩm của nhân dân và hoạt động sản xuất của nhà máy. Trong đó, nhấn mạnh biện pháp 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải hạn chế số lượng lao động làm việc.

Do đó, vị này đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu đã tiêm vắc-xin và cho phép lưu thông qua khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội. Điều kiện là tuyến đường di chuyển có điểm đầu, điểm cuối không thực hiện giãn cách xã hội.

Ngoài ra, một số đại diện doanh nghiệp đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc; có đơn vị giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên áp dụng cơ chế giãn thuế…

Đối với chi phí logistics, các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền sớm có giải pháp về vấn đề chéo nhiều chi phí gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ. Ông Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.