Nghệ An lần đầu lọt top 10 về thu hút vốn đầu tư FDI

GD&TĐ - Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Nghệ An tăng gần 20% với 1,27 tỷ USD; đồng thời đứng thứ 9 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 580 triệu USD.

Một góc Khu Công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Một góc Khu Công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Theo Sở Công Thương Nghệ An, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ước đạt 1,27 tỷ USD (tăng 19,76% so với cùng kỳ năm ngoái); đạt 54% kế hoạch năm.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,1 tỷ USD (tăng 21,48%); đạt 55% kế hoạch năm.

Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021 như: linh kiện điện thoại 218,9 triệu USD (tăng 75,5%); dệt may 215 triệu USD (tăng 25,75%); dăm gỗ 122,8 triệu USD (tăng 31%); đá các loại 70 triệu USD (tăng 25%); giày dép 19 triệu USD (tăng hơn 800%)…

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu năm nay được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và tận dụng hiệu quả những thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cụ thể, các thị trường lớn phải kể đến như: Trung Quốc 256,3 triệu USD; Hàn Quốc 141,8 triệu USD; Hồng Kông 127,8 triệu USD; Hoa Kỳ 109,3 triệu USD; Thụy Sỹ 61,6 triệu USD...

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu mới nổi như: Sao Tome và Principe, Costa Rica, Guinea Xích đạo, Niger, Djibouti, Palau, New Caledonia, Armenia...

Năm 2022, Nghệ An phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2 tỷ USD.

Một góc cảng biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).

Một góc cảng biển Cửa Lò (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).

Về thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Nghệ An xếp thứ 9 trong số 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Theo đó, Nghệ An đã thu hút được 580 triệu USD vốn FDI, chủ yếu đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam.

Tính tổng thể, đến ngày 15/6, Nghệ An thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả khá tích cực với 50 dự án cấp mới và điều chỉnh 59 lượt dự án.

Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 26.435,4 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 13.256,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số dự án cấp mới tăng 13,64%, tổng vốn cấp mới tăng 1,68 lần.

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, UBND tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên bố trí vốn để triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm. Đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi xúc tiến các nhà đầu tư thứ cấp.

UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phần mềm quản lý dự án đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 9/2022. Bên cạnh đó, xây dựng sổ tay hướng dẫn quy trình thực hiện dự án đầu tư; quy chế phối hợp quản lý dự án.

Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Nghệ An ước đạt 10.100 tỷ đồng, hoàn thành 67,4% dự toán (đạt 100,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, thu nội địa 9.162 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 937 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi ngân sách 15.303 tỷ đồng (đạt 49,3% dự toán). Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 5.600 tỷ đồng; chi thường xuyên là 9.242 tỷ đồng; chi dự phòng ngân sách là 278 tỷ đồng và chi trả nợ vay là 5,3 tỷ đồng.

Theo Sở Tài chính Nghệ An, so với cùng kỳ năm 2021 thì mức tăng trưởng thu ngân sách còn thấp (chỉ tăng 0,6%). Trong khi đó, một số khoản thu chưa đạt tiến độ dự toán, nợ thuế vẫn ở mức cao với 1.008 tỷ đồng (tăng 225 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tăng 21 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.