Nhằm hỗ trợ và phát triển giáo dục mầm non tốt hơn tại các khu vực có khu công nghiệp, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 27/2021/HĐND (Nghị quyết 27) với nhiều chính sách hỗ trợ cho người học và giáo viên. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, chính sách đi vào cuộc sống còn rất mờ nhạt.
Rất ít giáo viên được hỗ trợ
Theo hướng dẫn của Nghị quyết 27, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp (ở TPHCM) thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất một lần.
Việc hỗ trợ bao gồm: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Ngoài hỗ trợ cơ sở nuôi giữ trẻ, Nghị quyết 27 cũng hỗ trợ trẻ em có cha/mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Giáo viên dạy học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.
Chính sách là vậy nhưng khi triển khai vào thực tế lại gặp nhiều vướng mắc. Đại diện UBND Quận 12 cho biết đã chỉ đạo phòng GD&ĐT triển khai các chính sách của Nghị quyết 27 đến cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
Tuy vậy, đến thời điểm này, 46 trường mầm non và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp chưa đơn vị nào được nhận hỗ trợ kinh phí trang bị cơ sở vật chất theo quy định. Lý do, không có cơ sở giáo dục mầm non nào có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Với chính sách hỗ trợ cho giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, hiện chỉ có 3/352 giáo viên mầm non đủ điều kiện nhận trợ cấp với tổng kinh phí 13,6 triệu đồng. 499 giáo viên còn lại không đủ điều kiện, do không đáp ứng chuẩn trình độ và lớp học không đủ 30% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp...
TP Thủ Đức có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất, gồm: Khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung, Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Bình Chiểu và Khu công nghiệp Cát Lái. Đến nay, số lượng cơ sở giáo dục được nhận hỗ trợ trang thiết bị cơ sở vật chất 1 lần chỉ 9/76 đơn vị với số tiền 225 triệu đồng.
Ảnh minh họa/ INT |
Quận Tân Bình tới thời điểm nay không có cơ sở giáo dục mầm non độc lập nào được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 27. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận trao đổi: Năm 2021 - 2022, quận không có cơ sở mầm non nào có hồ sơ nhận hỗ trợ. Hiện nay toàn quận mới có 30 hồ sơ trẻ thuộc đối tượng hỗ trợ (24 hồ sơ thuộc trường mầm non công lập, 6 hồ sơ thuộc các nhóm, lớp mầm non tư thục) trên tổng số 16.000 trẻ. Nguyên nhân do cha mẹ trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp khác nên khó xác minh.
TP Thủ Đức có 107/315 giáo viên (tỷ lệ 34%) đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Số giáo viên còn lại không được hưởng do một số nguyên nhân như: Số lượng con em công nhân theo học tại cơ sở chưa đạt tỷ lệ 30%; giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định. Số trẻ đủ điều kiện và đã nhận trợ cấp là 2.800/6.800 cháu, chiếm tỷ lệ gần 42%.
Khó triển khai do đâu?
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, chính sách mà Nghị quyết 27 hướng tới là rất đúng đắn, nhằm mang lại tính ổn định cho đội ngũ giáo viên cũng như giảm gánh nặng chi phí cho người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy vậy, những điều kiện nghị quyết đặt ra như một “rào cản”, khiến công tác hỗ trợ, số đơn vị và giáo viên mầm non được hỗ trợ chưa cao.
“Từ thực tế hiện nay, tôi kiến nghị UBND, HĐND TPHCM cần đánh giá tác động của chính sách đến các đối tượng, trong đó xem xét cơ sở đặt ra tỷ lệ 30% trẻ là con em công nhân theo học tại đơn vị.
Hiện TP Thủ Đức có 25 giáo viên thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách đang học tập nâng chuẩn. Tuy vậy sẽ rất thiệt thòi khi số giáo viên này không được nhận hỗ trợ dù đã đề xuất. Theo tôi, những trường hợp này, TP nên cho phép giáo viên được “nợ” chuẩn để họ được nhận hỗ trợ theo chính sách”, ông Phùng nói.
Những vướng mắc từ việc xác định cha mẹ học sinh làm việc tại các công ty, doanh nghiệp có nằm trong khu công nghiệp hay không đang là điểm nghẽn khiến việc hỗ trợ cho học sinh chưa cao. Đưa ra nhìn nhận trên, bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, Liên đoàn Lao động TP sẽ hỗ trợ các đơn vị trong việc xác nhận thông tin này.
“Các quận huyện phải hiểu đúng và rõ để thống nhất thực hiện chương trình này trên địa bàn TP. Đồng thời có chỉ đạo xuyên suốt, không để mỗi đơn vị hiểu một kiểu khiến chính sách không đến được với người lao động và con công nhân lao động ở khu công nghiệp”, bà Thúy nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc chính sách có nhưng học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục không được thụ hưởng hoặc thụ hưởng quá ít có lỗi phần nhiều do công tác tuyên truyền, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 thông tin, trong thời gian tới, UBND quận sẽ chỉ đạo phòng GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai hướng dẫn cho chủ cơ sở về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 27; tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp danh sách trẻ em, giáo viên mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.
“Công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 27 chắc chắn được làm mạnh trong thời gian tới. Ngoài việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông, UBND quận, phòng GD&ĐT sẽ làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho công nhân lao động đang làm việc tại đây hiểu về các chế độ chính sách phát triển giáo dục, giúp họ biết và hoàn thiện hồ sơ để được nhận chế độ hỗ trợ”, bà Võ Thị Chính cho biết.