"Khát" trường mầm non trong khu công nghiệp - khu chế xuất

GD&TĐ - TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương là 3 tỉnh có số lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) lớn nhất các tỉnh phía Nam. Đi kèm với sự phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, “bài toán” trường lớp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại đây luôn là câu hỏi nhức nhối.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm trường mầm non trong KCN tại tỉnh Đồng Nai
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thăm trường mầm non trong KCN tại tỉnh Đồng Nai

Như muối bỏ biển

Năm học 2018 - 2019, TPHCM tăng gần 67.000 học sinh, trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000 trẻ. Dù đã dốc toàn lực để xây dựng và bổ sung thêm 882 phòng học mới (trong đó có 272 phòng học cho mầm non) với tổng mức đầu tư trên 2.300 tỉ đồng thì, như thừa nhận của ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nhu cầu trường lớp tại các KCN-KCX vẫn là bài toán chưa có lời giải.

TPHCM được xem là địa phương có số lượng dân nhập cư gia tăng hàng năm cao nhất cả nước. Trong đó, lực lượng lao động phổ thông đổ về tại 17 KCN - KCX chiếm đến hơn 36% (285.000 người). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số trường mầm non trong 17 KCN - KCX TPHCM đang có chỉ đếm trên đầu ngón tay (17 trường).

Xét về nhu cầu gửi trẻ của hàng trăm nghìn công nhân đang sống và làm việc tại các KCN-KCX chẳng khác gì muối bỏ bể khi tổng quy mô các trường có thể tiếp nhận chỉ hơn 6.000 em (15% nhu cầu).

Tương tự TPHCM, Đồng Nai là địa phương có số KCN lớn, lực lượng lao động tự do và di dân cơ học luôn là áp lực cao với ngành Giáo dục địa phương. Toàn tỉnh Đồng Nai có 32 KCN-KCX với quy mô lực lượng lao động vào khoảng 900 nghìn người, kéo theo nhu cầu gửi trẻ của công nhân tại đây rất lớn. Chỉ tính riêng TP Biên Hòa, nhu cầu gửi trẻ đã trên 63.000 cháu. Tuy nhiên, toàn TP chỉ có 33 trường mầm non công lập (quy mô hơn 10 nghìn - chiếm 15% tổng số trẻ) còn lại 85% số trẻ phải gửi ở các trường tư, nhóm trẻ.

Tỉnh Bình Dương hiện có 28 KCN và 20 cụm công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, trường lớp do các doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc do chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng phục vụ con em công nhân không đáng kể.

Tính đến nay, mới có khoảng 4.000 học sinh được học tại các cơ sở này, tập trung chủ yếu ở thị xã Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát. Như vậy, còn hàng chục nghìn trẻ con em của công nhân phải gửi học tại các lớp, nhóm trẻ nhỏ lẻ hoặc các trường dân lập, tư thục ngoài KCN với học phí cao.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Giải pháp nào cho hiệu quả?

Nhìn nhận việc giải “bài toán” khát trường mầm non trong KCN-KCX là việc cấp bách, ngành Giáo dục 3 tỉnh trên đặc biệt quan tâm việc phát triển hệ thống các trường mầm non lân cận và trong các KCN-KCX. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc xây trường mầm non trong KCN-KCX gặp nhiều khó khăn.

Một mặt trước đây khi quy hoạch các KCN không có phần đất dành cho giáo dục.

Thứ hai, các doanh nghiệp thuê để sản xuất đều có quỹ đất hạn hẹp nên việc vận động các doanh nghiệp mở trường học trên phần đất thuê là rất khó. Mặt khác, việc thành lập các trường mầm non lân cận các KCN phải tuân thủ thủ tục đất đai, đó là vừa đáp ứng diện tích theo quy định vừa phải chuyển đổi từ đất sử dụng riêng hộ gia đình sang đất giáo dục... khiến cho việc xây trường vẫn bị tắc.

Thực tế, mô hình trường MN do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của chính đơn vị đang là hướng đi duy nhất để phá “tảng băng” thiếu trường. Tuy nhiên, thống kê cho thấy mới chỉ có rất ít tỉnh thành làm được việc này (6/17 tỉnh). TPHCM mới có 8 trường do doanh nghiệp tự xây, Bình Dương có 6 trường, Đồng Nai có 4 trường. Có 5 trường do chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện.

Trước thực tế này, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đang triển khai 18 dự án xây trường mầm non cho con công nhân, trong đó 9 dự án do ngân sách TP đầu tư, 9 dự án nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp (có thu học phí giá thấp). Để giải bài toán chỗ học cho con em công nhân.

Và để cho năm học 2019 - 2020 bớt căng thẳng về chỗ gửi trẻ, Sở GD&ĐT TPHCM mới tham mưu UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị về cơ chế đặc thù cho trường mầm non ở KCN- KCX nhằm sớm tháo gỡ những vướng mắc cũng như huy động nguồn lực xây trường cho con em công nhân.

Còn theo bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, để chính sách doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền trong việc xây dựng trường mầm non, ngoài việc tháo gỡ khó khăn về các thủ tục hành chính, việc quan trọng nhất là doanh nghiệp cần phải được địa phương hỗ trợ về mặt bằng.

“Nhà trẻ cho con là nhu cầu cấp thiết của công nhân sau nhu cầu nhà ở. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có cố gắng nhưng với một tỉnh đông công nhân như Đồng Nai, số nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân đang hạn chế. Chúng tôi đã và đang đề xuất các cấp lãnh đạo có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ cho con công nhân.

Trong đó, quỹ đất sạch là vấn đề quan trọng nhất cần được tháo gỡ. Trong 3 năm qua, tỉnh Đồng Nai có 3 trường mầm non khang trang với kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng/trường được đưa vào sử dụng trong các khu công nghiệp là minh chứng rõ nét” - bà Nguyễn Thị Như Ý nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.