Phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp: Từng bước gỡ khó

GD&TĐ - Thời gian qua, TP Cần Thơ tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non, đặc biệt là trường mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX). Với giải pháp từng bước gỡ khó, đến nay hệ thống trường lớp mầm non đáp ứng cơ bản nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động.

TP Cần Thơ quan tâm đầu tư trường, lớp mầm non ở KCN Trà Nóc. Ảnh: Q. Ngữ.
TP Cần Thơ quan tâm đầu tư trường, lớp mầm non ở KCN Trà Nóc. Ảnh: Q. Ngữ.

Tập trung nguồn lực đầu tư trường lớp

TP Cần Thơ hiện có 181 trường mầm non, mẫu giáo (138 trường công lập, 43 trường ngoài công lập); có 155 nhóm trẻ tư thục, độc lập. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 112/181 trường (tỷ lệ 61,87%). Trong đó có 178/181 trường mầm non, mẫu giáo tổ chức bán trú (tỷ lệ 98,34%). Ở TP Cần Thơ, địa bàn tập trung các KCN, KCX là quận Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng.

Những năm trước, nhu cầu gửi con em của công nhân rất lớn, các trường công lập thường phải chịu cảnh quá tải. Nhiều công nhân phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình hoặc gửi con em cho ông bà ở nhà trông giữ. Trước nhu cầu cấp bách đó, TP Cần Thơ tập trung nguồn lực đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất trên địa bàn có KCN. Song song đó là quan tâm, đầu tư cho các nhóm trẻ độc lập tại khu vực KCN, KCX để tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc.

Có một số công ty đóng trong các KCN, KCX mở các nhóm trẻ để trông giữ con em cho công nhân. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc và Công ty Dược Hậu Giang, đây là những mô hình rất hay, tất cả khoản học phí, tiền ăn của trẻ đều được miễn phí…  
Bà Thiệu Thị Kim Chi - Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) 

Một trong những “điểm sáng” của bậc học mầm non ở Cần Thơ chính là sự quan tâm, đầu tư nhóm trẻ độc lập ở KCN, KCX. Bảo đảm nhu cầu gửi con em của đối tượng công nhân, người lao động. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có 10 trường mầm non công lập ở địa bàn có KCN, KCX (trong đó có 6 trường chuẩn quốc gia). Có 26 nhóm trẻ tư thục, độc lập tại KCX, KCN thuộc địa bàn quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt.

Với sự vào cuộc của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và đại diện Ban quản lý KCN, KCX và doanh nghiệp, ngày càng có nhiều nhóm trẻ độc lập được hình thành. Đồng hành với sự phát triển này là công tác thanh kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Riêng đối tượng nữ công nhân lao động, người trực tiếp nuôi dạy trẻ, các bảo mẫu, giáo viên mầm non trên địa bàn KCN, KCX thường xuyên được tập huấn, tư vấn, trao đổi về công tác nuôi dạy con trẻ cũng như công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trẻ nghỉ trưa tại nhóm trẻ độc lập ở KCN Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.
 Trẻ nghỉ trưa tại nhóm trẻ độc lập ở KCN Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.

Dành chính sách và ưu đãi

Để khuyến khích, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập ở KCN, KCX phát triển, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tham mưu UBND thành phố hỗ trợ mua sắm đồ chơi cho trẻ trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong đó, năm học 2016 - 2017 hỗ trợ 8 bộ đồ chơi cho 8 nhóm trẻ độc lập ở KCN, KCX với tổng kinh phí hơn 597 triệu đồng; năm học 2017 - 2018 hỗ trợ cho 4 nhóm với tổng kinh phí 320 triệu đồng; năm học 2018 - 2019 hỗ trợ cho 6 nhóm với tổng kinh phí 320 triệu đồng. Ngành Giáo dục thành phố tham mưu Hội đồng nhân dân thành phố về chế độ hỗ trợ cho giáo viên mầm non bằng 0,5 mức lương cơ bản và hỗ trợ cho người làm công tác phổ cập bằng 0,3 mức lương cơ bản.

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Cần Thơ đẩy mạnh tăng cường cơ sở vật chất giải quyết vấn đề trường lớp tại khu vực có KCN, KCX, khu đông dân cư. Đặc biệt là đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt ở các điểm trường lẻ. Thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục mầm non.

Tham mưu ban hành chính sách địa phương phát triển trường lớp mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, đặc biệt ở các khu đông dân cư, KCN để đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ… Theo bà Thiệu Thị Kim Chi: “Ngành đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX. Để làm tốt vấn đề này, các địa phương có KCN phát triển cần làm tốt công tác dự báo quy mô phát triển, quy hoạch đất dành cho giáo dục, đồng thời công khai đất quy hoạch tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non…”.

Theo đại diện quản lý các nhóm trẻ độc lập ở KCN, KCX ở Cần Thơ, hiện nay nhu cầu gửi con của công nhân tại các KCN, KCX là rất lớn. Theo thống kê công nhân có đến 70% là nữ và đang trong độ tuổi sinh sản. Họ là những lao động đến từ TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Trong khi hệ thống trường lớp công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của họ thì các nhóm trẻ độc lập sẽ đáp ứng nhu cầu và phát triển nhanh.

Để bảo đảm trường, lớp học đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, Nhà nước cần có quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng trường mầm non. Trường mầm non tư thục tại KCX, KCN cần được cho thuê đất, nhưng không thu tiền sử dụng đất; được miễn các loại thuế từ khi xây dựng đến khi đi vào hoạt động; ưu tiên cấp điện, nước theo hình thức hỗ trợ giá; hỗ trợ chi phí đồ dùng, đồ chơi; miễn phí khám bệnh cho trẻ và giáo viên; được hỗ trợ thiết bị, theo dõi an toàn thực phẩm miễn phí...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ