Thầy cô dành điều kiện tốt nhất về môi trường, sinh hoạt ăn, ở… hỗ trợ cả dụng cụ học tập để trò có tâm lý thoải mái, tập trung ôn thi.
Giữ chân học sinh ở lại trường
Nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn, Trường THPT Hướng Phùng (Quảng Trị) có đến 80% học sinh khối 12 là người dân tộc. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tổ chức ôn thi tại trường cho đến gần ngày học sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường có 5 học sinh chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên trong bài thi tự chọn. Với những em này, ban giám hiệu và thầy cô giáo bộ môn cùng tìm hiểu nguyện vọng của các em và đưa ra hướng tự ôn tập có hỗ trợ. Sau bế giảng năm học, trong 1 tháng ôn tập kéo dài còn lại, thầy cô giáo bộ môn sẽ cung cấp cho học sinh các đề thi tham khảo, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc nếu có trong quá trình ôn bài”.
Với gần 109 học sinh còn lại, Ban giám hiệu Trường THPT Hướng Phùng định hướng cho giáo viên các bộ môn bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ôn tập.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ dành một khoảng thời gian để học sinh ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT. Cùng đó tập dượt cho học trò làm quen kỹ năng phân tích đề và làm bài thi, làm quen với tâm lý, môi trường thi cử. Để các em không tự ti, áp lực tâm lý, thầy cô thường xuyên động viên và có hình thức khen thưởng kịp thời cho học sinh chăm chỉ, học tập tốt” - thầy Thịnh cho biết.
Dù không tổ chức thi thử tất cả môn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng qua đối sánh kết quả học tập, Trường THPT Hướng Phùng cho học sinh lớp 12 làm bài khảo sát đối với môn Lịch sử và Anh văn trước khi tổ chức ôn tập trong giai đoạn nước rút.
Theo thầy Thịnh, đây là hai môn nhà trường có thống kê điểm thi khá thấp. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn còn lại, giáo viên sẽ bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ôn tập cho học sinh. Tập trung ôn tập nhiều hơn cho những em có học lực yếu. Việc ôn tập nhằm giúp các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Giáo viên không quá ôm đồm, không lan man, dàn trải mà phải tập trung làm sao cho học sinh nắm vững kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu.
Học sinh lớp 12 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My tham gia tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp. |
Ngoài tăng tiết từ đầu năm học với 3 môn Toán, Ngữ văn và Anh văn, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) cũng thăm dò nguyện vọng chọn bài thi tổ hợp cho học sinh từ tháng 10 để có định hướng ôn tập.
Thầy Hiệu trưởng Bùi Ngọc Luận chia sẻ: “Những năm trước, trường có khoảng 2 - 3 em chọn bài thi Khoa học tự nhiên để đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, 100% học sinh lớp 12 của trường chọn bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội nên việc ôn tập rất thuận lợi”.
Thuận lợi tiếp theo của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My là 100% học sinh đều ở nội trú. Mỗi ngày các em có 3 ca học: Sáng, chiều và tối nên giáo viên có thể giám sát, kèm cặp việc học. Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học tập của học sinh… Vậy nên, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý giúp các em nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của việc học.
Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu đã quán triệt tới cán bộ, giáo viên thường xuyên quan tâm, nhắc nhở động viên học sinh, đặc biệt là trò khối 12 trong việc học tập. Bắt đầu từ học kỳ II, nhà trường dành mọi điều kiện tốt nhất về môi trường học, sinh hoạt ăn, ở… để các em có tâm lý thoải mái, tập trung ôn thi.
Với phương châm “thầy, cô giáo ôn thi cùng học sinh”, ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các giáo viên được phân công tăng cường kiểm tra hoạt động tự học của học sinh; tận tình giải đáp, hướng dẫn ôn tập theo mô hình học nhóm. Trước khi vào giai đoạn ôn tập nước rút, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My đã tổ chức cho học sinh thi thử để thầy và trò có định hướng, phương pháp ôn tập phù hợp trong thời gian còn lại.
Giờ ôn tập Lịch sử theo chuyên đề của học sinh lớp 12 Trường THPT Hướng Phùng (Quảng Trị). |
Hỗ trợ tối đa cho học sinh
Kinh phí hỗ trợ ôn tập cho học sinh lớp 12 ở 6 huyện miền núi dự thi tốt nghiệp THPT được đưa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, 100% học sinh lớp 12 các trường THPT ở 6 huyện miền núi được ôn thi miễn phí tại trường. Riêng học sinh người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày dự thi tốt nghiệp THPT.
Trường THPT Hướng Phùng đã cho học sinh lớp 12 mượn máy tính cầm tay để sử dụng trong quá trình học. “Máy nào hư hỏng, hết pin… các em được đổi máy khác để sử dụng. Nhà trường hỗ trợ thay pin, sửa máy, miễn sao ưu tiên cho học sinh có máy tốt nhất để sử dụng”, thầy Thịnh thông tin.
Tuy nhiên, với 90 máy tính cầm tay được hỗ trợ qua nhiều năm lưu lại tại thư viện, hiện còn có khoảng 30 học sinh thiếu máy. Nhà trường động viên các em chủ động khắc phục bằng cách mượn của học sinh khóa dưới hoặc tự mua nếu có điều kiện. Ngoài ra, nhà trường đã chuẩn bị 120 Atlat Địa lý mới để phát cho học sinh trong ngày dự thi bài thi Địa lý để sử dụng.
Giáo viên, nhân viên giám thị Trường THPT nội trú Nam Trà My cũng thường xuyên theo dõi khu ở nội trú, nhắc nhở học sinh học bài, giữ gìn vệ sinh chung và tuân thủ chế độ nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Những ngày ôn tập cuối này, chế độ ăn uống của học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các.
Thầy Luận cho biết, từ nguồn hỗ trợ xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, nhà trường ưu tiên để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho học sinh. Cố gắng những ngày ôn tập nước rút, các em có thêm bữa ăn khuya để tập trung học tập.
Phương Anh, học sinh Trường THPT nội trú Nam Trà My cho biết: “Ngoài ưu tiên tối đa để ôn tập, thầy cô vẫn hướng dẫn em và các bạn cân đối thời gian để chơi thể thao, giải trí. Những năm gần đây, đề thi thường bám sát thời sự và ra theo hướng mở nên ngoài kiến thức trong sách vở, học sinh cần mở rộng, liên hệ thực tế nên xem tivi, đọc sách báo cũng hỗ trợ nhiều cho quá trình làm bài. Vì việc ôn tập trải đều trong cả năm học nên chúng em không thức quá khuya để học bài. Sau giờ tự học có thầy cô giáo hướng dẫn, học sinh nội trú về phòng ở học đến khoảng 22 giờ 30 phút là đi ngủ để đảm bảo sức khỏe”.