Lỗi cần tránh khi ôn và làm bài môn Toán thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Giáo viên lưu ý một số lỗi cần tránh khi ôn tập và làm bài thi môn Toán, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Không học tràn lan

Theo thầy Nguyễn Thành Phước – Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang), đề thi tốt nghiệp THPT thường có trên 60% là kiến thức cơ bản. Vì thế, nhiệm vụ của học sinh là nắm vững lí thuyết, hiểu và vận dụng được các tính chất, sử dụng thành thạo máy tính cầm tay.

Tuy nhiên, một trong những sai lầm mà học sinh hay mắc phải là: Học tràn lan, làm nhiều đề mà không “cô đọng” thành cái riêng cho mình. Điều này, vô hình trung dẫn đến việc các em càng làm, càng sai. Từ đó, dẫn đến tâm lý lo sợ và sai sót trong quá trình làm bài thi là điều không tránh khỏi.

Khi bước vào phòng thi, thí sinh không nên tự tạo áp lực cho mình; tự tin làm bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đặc biệt, các em cần xem kĩ câu đã làm và nhớ tô đáp án bài thi cho đúng trước khi nộp bài.

Lưu ý một số kiến thức trọng tâm đối với môn Toán – chủ đề ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số; cô Trần Thị Huyền Thư - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) – nhấn mạnh, học sinh cần nắm chắc các dạng bài: Tìm khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm số đã cho; xác định điểm cực đại, cực tiểu của hàm số; trong đó có hàm số bậc 3 và bậc 4…

Ngoài ra, học sinh cần ôn lại và nắm thật vững dạng bài tập tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số bằng máy tính, bảng biến thiên, đồ thị…

Khi ôn tập học sinh cần ghi nhớ các công thức, hiểu phương pháp giải các dạng bài tập, tham khảo các đề thi những năm trước của Bộ GD&ĐT.

Rèn kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm

Thầy Nguyễn Thành Phước – Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang).

Thầy Nguyễn Thành Phước – Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang).

Lưu ý một số sai lầm học sinh thường mắc phải khi làm bài tập ở các dạng bài trên, cô Thư viện dẫn: Học sinh không nắm chắc quy tắc xét dấu của đạo hàm, đặc biệt những hàm số có nghiệm kép.

Nhiều học sinh nhầm lẫn giữa các khái niệm điểm cực đại, cực tiểu, giá trị cực đại, cực tiểu của hàm số, điểm cực đại, cực tiểu của đồ thị hàm số. Có em nhầm lẫn giữa tiệm cận đứng và tiệm cận ngang của hàm số phân thức.

Đối với bài toán có điều kiện, khi giải xong, một số em quên không kết hợp điều kiện. Ví dụ tìm tương giao, tìm tham số m...

Hoặc khi lập bảng biến thiên để tìm khoảng đồng biến, cực trị, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, học sinh quên không đưa điểm tới hạn. Ngoài ra, các em chưa nắm chắc về hàm hợp, đạo hàm của hàm hợp (đối với câu ở mức độ vận dụng).

Theo thầy Phạm Thế Mạnh - giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), trong quá trình làm toán, học sinh cần lưu ý để tránh một số sai sót thường gặp như: Nhầm lẫn công thức tìm nguyên hàm với công thức tính đạo hàm, nhầm lẫn dấu giữa công thức nguyên hàm với nhau.

Chẳng hạn khi tìm nguyên hàm của các hàm lượng giác có Sin và Cos… hay thiếu dấu giá trị tuyệt đối khi tìm nguyên hàm của một số hàm phân thức hoặc thiếu hệ số khi tìm nguyên hàm của các hàm.

Ngoài ra, trong quá trình tính tích phân bằng phương pháp đổi biến số, các em có thể quên đổi cận hoặc không lấy vi phân của biến mới theo biến ban đầu. Trong quá trình tính tích phân bằng phương pháp tích phân từng phần, học sinh có thể bị nhầm lẫn giữa hai quá trình tính vi phân (để tìm) và tìm nguyên hàm (để tìm)…

Cũng theo thầy Mạnh, khi áp dụng tích phân để tính diện tích hình phẳng, khá nhiều học sinh quên mất dấu giá trị tuyệt đối trong công thức tính diện tích, điều này dẫn đến kết quả tính không chính xác.

Đối với dạng bài tập về khối đa diện và khối tròn xoay, thầy Đỗ Văn Hải - Trường THPT Thuận Thành số 3 (Bắc Ninh) – cho hay, học sinh thường mắc phải các sai lầm như: xác định các yếu tố của giả thiết sai, nhất là những bài tập có cho yếu tố góc và khoảng cách. Ngoài ra, một số học sinh chưa chắc kiến thức nên hay bị nhầm lẫn các công thức áp dụng cho việc tính toán.

Thầy Hải nhấn mạnh, trong quá trình ôn tập và làm đề thi thử, mỗi học sinh cần tự hiểu mình. Xác định rõ nội dung kiến thức nào còn yếu, còn thiếu để bổ sung, kịp lấp đầy khoảng trống. Các em có thể tự học hoặc hỏi thầy cô, bạn bè để bổ sung ngay các chỗ hổng. Cần ghi chép lại các nội dung đó ra vở riêng để tiện trong quá trình xem lại.

Học sinh cần ôn tập rộng, phủ khắp các nội dung trong chương trình lớp 12 và một số nội dung ở lớp 10 và 11. Trong quá trình ôn tập, cần chia các dạng bài tập và hệ thống được kiến thức.

Đặc biệt, các em cần rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm trong các lần làm đề thi thử. Trong quá trình ôn tập có thể tự mình phát triển các câu tương tự hoặc thay đổi giả thiết bài tập, mục đích để có thể làm quen trước các tình huống xảy ra.

Theo thầy Đỗ Văn Hải, học sinh cần bố trí thời gian biểu trong ngày và trong tuần để ôn tập các môn thi một cách hợp lí nhất. Các em không cần phải thức quá khuya hoặc dậy quá sớm để ôn tập. Tuy nhiên, khi học cần có không gian yên tĩnh và tập trung học thật sự để đạt hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ