Không cắt xén chương trình
Thầy Khiếu Văn Đoạt - Hiệu trưởng Trường THPT Đại An (Ý Yên, Nam Định) cho biết, hiện tại toàn bộ 279 học sinh lớp 12 của trường đã kiểm tra học kỳ 2 và đang ôn tập vào các buổi chiều. Nhà trường đang thực hiện chỉ đạo mới nhất từ Sở GD&ĐT tỉnh về việc sẽ hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/5; tuyệt đối không cắt xén chương trình. Nếu điều kiện cho phép, ngày 24/5 trường sẽ tổ chức lễ bế giảng và tổng kết năm học 2022-2023.
Thầy Khiếu Văn Đoạt - Hiệu trưởng Trường THPT Đại An. |
Cũng theo đại diện nhà trường, các em học sinh có định hướng ngay từ đầu và chọn ban theo nguyện vọng của từng em. Gần như không có em nào chuyển ban khi đăng ký tổ hợp môn xét tuyển dự thi tốt nghiệp THPT. Thầy cô và chuyên viên phòng Tin học hướng dẫn để các em đăng ký, rà soát và bổ sung thông tin nếu cần thiết. Đơn vị này cũng đã đầu tư mua máy quét để chấm bài thi trắc nghiệm với mẫu phiếu trả lời trắc nghiệm cũng giống như thi thật.
Cô Trịnh Thị Ngọc - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Đại An chia sẻ, sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh bị phụ thuộc vào internet, sử dụng điện thoại nhiều trong giờ nên thiếu tập trung. Trong bối cảnh đó, giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy để tăng hứng thú cho các em, nhất là đang trong giai đoạn quan trọng này. Hiện nay, cô trò đang tiếp tục ôn tập, tổng hợp lại các kiến thức đã học và rèn nhiều kỹ năng làm bài.
Cô Trịnh Thị Ngọc đang ôn luyện môn Ngữ văn cho học sinh của mình. |
"Bài thi Ngữ văn nhiều năm nay vẫn thi tự luận theo cấu trúc gồm hai phần chính là đọc hiểu – viết văn. Mỗi phần có cách làm riêng, các em cần biết phân chia thời gian hợp lý. Không nên chú trọng quá vào một phần mà bỏ qua phần còn lại. Muốn lấy điểm cao phần nghị luận xã hội, học sinh nên chú ý hơn tới các kiến thức thực tế ngoài cuộc sống để vận dụng khéo léo vào bài thi. Ngoài ra, các em phải nắm thật vững quy chế thi để tránh các lỗi sơ đẳng khi vào phòng thi" - cô Ngọc nhấn mạnh.
Cách học hiệu quả môn Lịch sử
Là giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Đại An, cô Trần Thị Hà cho hay, chương trình SGK mới môn Lịch sử có nhiều nội dung gắn với thực tiễn giúp phát huy tính sáng tạo của giáo viên. Thầy cô phải nâng cao chất lượng dạy lịch sử, tạo được hứng thú để thay đổi tư duy của học sinh về môn này. Nhà trường cũng cử giáo viên đi tham dự những đợt tập huấn chương trình, SGK mới do Sở GD&ĐT Nam Định tổ chức.
Cô Trần Thị Hà cho học sinh lên chia sẻ suy nghĩ của mình về một bài học Lịch sử trên lớp. |
Cũng theo cô Hà, khả năng tiếp nhận của học sinh với môn Lịch sử là khác nhau. Trong năm học, cô đã cố gắng đổi mới nhiều về phương pháp giảng dạy, mỗi lớp có 1 tivi, trực quan hóa lịch sử nên các em hào hứng học hơn. Cô kết hợp dạy học bằng hình ảnh, thiết kế bài giảng điện tử, cho học sinh xem trích đoạn thời sự sinh động từ thực tế bên ngoài. Ta có thể dùng lịch sử để giải thích hiện tượng xã hội.
Ví dụ, khi dạy về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cô Hà đặt câu hỏi vì sao Việt Nam lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như vậy? Vì sao được nghỉ vào các ngày 30/4, 2/9... Các em sẽ bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình và cô giáo sẽ là người chắp nối, đưa ra luận điểm để cả lớp cùng trao đổi. Tất cả đều có nguồn gốc sâu xa và mang ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước của dân tộc ta qua bao đời nay.
"Trong quá trình học cũng như ôn tập kiến thức môn Lịch sử, chúng tôi luôn giáo dục các em cần biết yêu Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể. Học sinh đi dọn vệ sinh ở nghĩa trang liệt sĩ là đóng góp nhỏ bé của hậu thế với tiền nhân có công với nước. Do đó, cách học tập tốt nhất chính là ghi nhớ và thực hành thường xuyên. Giai đoạn này, những em lựa chọn thi theo khối xã hội sẽ tập trung ôn thật tốt môn Lịch sử theo hướng nắm chắc kiến thức cơ bản. Biết vận dụng các kỹ năng làm bài để giành điểm cao môn này", cô Trần Thị Hà nói.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Nam Định, trong hai ngày 18 và 19/5, học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh sẽ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023. Các trường THPT; Trung tâm GDNN-GDTX sẽ chuẩn bị các khâu cần thiết để tổ chức thi thử cho các em theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Theo đó, hình thức thi sẽ giống như kỳ thi thật; các khâu từ coi thi, giám sát, chấm thi phải thực hiện theo quy chế... để các em được tập dượt trước khi bước vào kỳ thi chính thức vào cuối tháng 6 tới.