Nắm vững kiến thức cơ bản
Theo cô Lê Thị Hải, giáo viên Ngữ văn - trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Ngữ văn là môn thi bắt buộc đối với tất cả các thí sinh tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông lớp 12. Vì vậy việc nắm chắc và vận dụng các kỹ năng, phương pháp ôn tập là vô cùng cần thiết.
Trước hết học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn lớp 12. Bên cạnh đó rèn luyện tốt các kỹ năng, phương pháp, cách làm phần đọc hiểu, câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học. Ngoài vấn đề học sinh phải nắm cấu trúc và định hướng của đề thì việc xác định đúng các yêu cầu của đề là rất quan trọng. Sau đó học sinh thực hiện đúng cách làm bài.
Cụ thể: Cần nắm vững cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT, bám sát đề thi minh hoạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề thi gồm có ba phần, gồm:
Phần 1: Đọc hiểu (Đoạn văn bản đọc hiểu) gồm 4 câu hỏi với các mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
Phần 2: Nghị luận xã hội (thường viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về một khía cạnh của vấn đề xã hội).
Phần 3: Nghị luận văn học (đoạn trích tiêu biểu của các tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn 12). Dạng đề thường gặp là phân tích, cảm nhận đoạn trích hoặc vẻ đẹp nhân vật…từ đó nhận xét về giá trị nhân đạo, yếu tố về nghệ thuật trong tác phẩm…
Cô Hải cho hay, việc xác định và thực hiện đúng yêu cầu của đề bài rất quan trọng.
Thứ nhất, học sinh cần phân biệt cách nêu câu hỏi của đề và trả lời chính xác. Ví dụ trong các câu hỏi thuộc mức độ nhận biết ở phần đọc hiểu thường có câu hỏi: Xác định thể thơ, chỉ ra phương thức biểu đạt, chỉ ra phong cách ngôn ngữ, chỉ ra thao tác lập luận… Nếu đề yêu cầu nêu phương thức chính (thao tác lập luận chính) thì học sinh chỉ trả lời một phương thức (thao tác lập luận). Nếu đề yêu cầu “nêu các”…thì trả lời đủ những phương thức hoặc thao tác có trong đoạn trích.
Thứ hai, học sinh cần xác định đúng yêu cầu câu hỏi của đề và căn cứ để trả lời chính xác. Ví dụ trong các câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu thường có dạng câu hỏi: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu….? Theo Anh/Chị, thế nào là…? Theo tác giả: “…” , có nghĩa là gì? Học sinh căn cứ trả lời dựa vào nội dung ngữ liệu (đoạn trích…) kết hợp với hiểu biết của bản thân về vấn đề để trình bày. Cách trình bày nội dung trả lời: Nhắc lại câu hỏi -> Cần hiểu câu “…” với ý nghĩa sau (Nêu rõ vấn đề cần trình bày theo lời văn, rõ ràng, mạch lạc).
Phân bố thời gian khoa học
Học sinh lớp 12, trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum ôn luyện đề thi. |
Còn phần làm văn chiếm 50% số điểm toàn bài nên học sinh khi làm cần phân bố thời gian hợp lý, khoa học. Theo đó, học sinh chú trọng dạng đề phân tích đoạn trích tiêu biểu. Bên cạnh đó xác định và giải quyết được vấn đề cần nghị luận. Bài làm phải đảm bảo cấu trúc bài văn, nhận xét về nội dung và nghệ thuật của văn bản/đoạn trích, vị trí và đóng góp của tác giả.
Sau khi học sinh nắm vững cấu trúc đề thi, xác định và thực hiện đúng yêu cầu của đề, các em sẽ phải luyện giải đề. Trong quá trình ôn tập và luyện đề, học sinh sẽ hoàn thiện và thành thục các kỹ năng và phương pháp làm bài. Việc giải đề hiệu quả phải diễn ra thường xuyên, không quá ôm đồm cũng không được chủ quan. Qua việc giáo viên hướng dẫn cách làm bài các em sẽ có những kinh nghiệm quý báu và áp dụng tốt vào bài làm.
Đặc biệt, tâm thế ôn tập và tâm lí trong phòng thi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả. Các em không được chủ quan và cũng không quá lo lắng, hãy thật thoải mái và tự tin để làm bài. Tuyệt đối không học tủ, không phó thác cho sự may rủi và luôn chủ động, tích cực thì sẽ đạt kết quả như mong muốn.