Cảm hóa HS “cào cào, châu chấu”!
Cô Hải Hà kể về “các con” lớp 9A4 với giọng trìu mến, tự hào, rằng đó là những HS cá tính, sôi nổi, nếu “bấm đúng huyệt”, các em sẽ biết sửa đổi, hướng đến những điều tích cực. Bí quyết của cô là dành thời gian tìm hiểu, lắng nghe HS, cho các em thấy sự tôn trọng. “Tôi luôn nói với các bố mẹ là cần ứng xử với con như một người bạn, đừng nghĩ chúng còn trẻ con nên áp đặt, sẽ phản tác dụng”.
Cô Hà vẫn nhớ về một HS rất đặc biệt trong lớp tên LQ. Để chuẩn bị cho cuộc họp phụ huynh đầu tiên, cô cho HS viết ra giấy những tâm sự của mình. Khi thu lại, cô đọc được lá thư LQ viết về cô giáo với lời lẽ rất nặng nề. Cùng là GV, đọc những dòng chữ HS nhận xét về đồng nghiệp, cô Hà cảm thấy bối rối, hoang mang. Sau đó, cô dành 2 tiết buổi chiều nói chuyện với LQ. Trong 90 phút đó, 60 phút cô dành để lắng nghe LQ chia sẻ, tâm sự. Khi HS thoải mái hơn, tin cậy cô giáo, cô Hà mới phân tích cho em hiểu người khác khi đặt mình vào vị trí của họ. Dần dà, LQ rất cởi mở, cô đặt vấn đề sẽ giúp em giải hòa mối quan hệ với GV bộ môn, đồng thời đề nghị LQ viết lại những nhận xét về cô giáo theo cảm nhận hiện tại con có. Thật hạnh phúc khi tờ giấy thu về là những chia sẻ nhẹ nhàng, tích cực của cậu học trò.
Lớp cô Hà chủ nhiệm có một số HS rất cá tính, không bằng lòng điều gì là phản ứng, đứng lên cãi thầy cô quyết liệt. Nhưng may mắn sao suốt quãng thời gian chủ nhiệm, cô Hà chưa bao giờ bị HS cãi lại. Có lần vui vẻ, cô hỏi cả lớp: Sao cô hay mắng mà không ai cãi cô thế nhỉ? Những HS “cào cào, châu chấu” nói: “Không cãi đâu. Cô mắng đúng. Cô lắng nghe, tôn trọng chúng con!”. Đúng là cô Hà luôn nghe HS nói, sau đó mới uốn HS, chỉ cho HS cách nghĩ đúng, làm đúng. Cô Hà không bao giờ phê phán HS trước đám đông. Tưởng chừng bí quyết có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng chịu khó ngồi chăm chú lắng nghe lứa tuổi ẩm ương than phiền, oán trách những chuyện trên trời dưới biển mấy tiếng đồng hồ!
Cuộc điện thoại hạnh phúc
Cô Hải Hà dạy môn Địa lý nên có ít tiết trên lớp. Nhưng là GVCN, cô dành nhiều thời gian cho học trò. Những chiều không có tiết dạy nhưng cô vẫn đi qua “nghía” cả lớp một cái. Học trò mâu thuẫn, cô “đánh tỉa” gọi từng em ra nói chuyện. Êm xuôi mới gọi cả hai lên để giảng hòa. Rồi tuổi này còn yêu đương nữa. Cô cũng gọi riêng để nói về tình yêu trong sáng, hậu quả nếu đi quá giới hạn, pháp luật quy định những gì nếu làm bạn nữ có thai… Cô Hà nêu quan điểm thẳng thắn với học trò: Cô tôn trọng tình cảm của các em, nhưng các em phải làm thế nào để vừa tôn trọng chính mình, vừa tôn trọng người xung quanh, không nên thể hiện tình cảm thái quá ở nơi công cộng, trước mặt tập thể lớp…
Vất vả, tốn nhiều công sức, nhưng cô Hải Hà luôn quan niệm “Mình yêu các con như thế nào thì các con cũng sẽ yêu cô như thế”. Ví như không có cô quản lớp lúc truy bài, nhưng vì sợ cô bị nhà trường phê bình mà cả lớp không mất trật tự. Cô còn “nổi tiếng” trong lớp là chuyện gì cũng biết. Để nắm được thông tin, diễn biến trong lớp, cô đã dành không ít thời gian quan tâm, gặp gỡ, trao đổi với nhiều HS. Nhìn ánh mắt HS hơi buồn, cô cũng tìm em để nói chuyện. Cô như chiếc cầu nối khiến tập thể lớp gắn kết, làm HS thích đến trường đến lớp, truyền động lực thích học cho học trò.
Cô Hải Hà dạy học ở Trường THCS Nghĩa Tân được 12 năm, làm công tác giáo viên chủ nhiệm 2 lớp nhưng đều là lớp cuối bảng ở trường. Được BGH tạo mọi điều kiện, cô đã dìu dắt HS tiến bộ trong học tập, có nhận thức đúng trong kỷ luật trường lớp. Năm học vừa qua, lần đầu tiên lớp được khen thưởng là lớp tiên tiến xuất sắc, các cuộc thi tập thể đều giành giải. “Khi tôi nhận, lớp xếp hạng cuối cùng ở trường. Nhưng kỳ thi vào lớp 10 mới đây, điểm trung bình của các con là 44 điểm, đứng thứ 9/11 ở trường”.
Kỷ niệm hạnh phúc nhất của cô Hải Hà chính là sự thay đổi từ cậu học trò LQ. Từ khi cô Hà làm chủ nhiệm, LQ ngoan ngoãn, không quậy phá, tập trung vào việc học và đặc biệt, rất tôn trọng cô giáo. Từ vị trí đếm ngược từ dưới lên trong danh sách, LQ đã đứng thứ 7 trong lớp, các thầy cô bộ môn đều khen LQ có tiến bộ rõ rệt.
Mới đây, LQ gọi điện thoại cho cô Hà, vui mừng báo rằng đã thi đỗ vào ngôi trường THPT mong ước. LQ còn dặn cô lưu số điện thoại để cô trò kết nối chia sẻ. Lúc nghe tiếng cười của cậu học trò, cô Hà thấy vị ngọt của niềm hạnh phúc nghề giáo!