Chiêu lựa chọn biểu đồ thích hợp trong bài tập Địa lý

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thanh Hải - Trung tâm GDTX Tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: Để lựa chọn được biểu đồ thích hợp nhất cần phải căn cứ vào các yếu tố như: Khả năng thể hiện của biểu đồ; lời dẫn, đặc điểm của bảng số liệu đã cho và yêu cầu của đề ra.

Chiêu lựa chọn biểu đồ thích hợp trong bài tập Địa lý

Khả năng thể hiện của từng loại biểu đồ

Sau khi xác định nội dung biểu đồ cần thể hiện (chính là lời dẫn hay yêu cầu của bài tập, bài thực hành), học sinh cần xác định loại biểu đồ.

Đây là bước rất quan trọng vì nếu xác định sai loại biểu đồ cần vẽ sẽ kéo theo việc vẽ biểu đồ sai yêu cầu, việc nhận xét sẽ khó có thể hoàn thiện.

Muốn lựa chọn được loại biểu đồ thích hợp nhất so với yêu cầu của đề bài cần căn cứ vào một số cơ sở sau:

Khả năng thể hiện của từng loại biểu đồ: Trong chương trình Địa lí phổ thông cũng như các đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ thường yêu cầu HS vẽ một trong số các loại biểu đồ: Hình cột, hình tròn, hình đường (đồ thị), hình miền (hoặc diện), biểu đồ kết hợp cột và đường. Mỗi loại biểu đồ dùng để thể hiện một hoặc nhiều mục đích khác nhau:

Biểu đồ cột thường dùng để thể hiện động thái phát triển của đối tượng, so sánh tương quan độ lớn (quy mô) giữa các đối tượng hoặc thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể. Tuy nhiên, loại biểu đồ này thích hợp nhất trong việc thể hiện sự so sánh tương quan về độ lớn giữa các đối tượng và động thái phát triển của đối tượng.

Biểu đồ theo đường (đồ thị, đường biểu diễn) gồm:

Biểu đồ có 1 hoặc nhiều đường khác nhau vẽ theo giá trị tuyệt đối: Thích hợp nhất trong việc thể hiện tình hình, diễn biến của một hay một số đối tượng địa lí qua một chuỗi thời gian (có số năm nhiều và tương đối liên tục).

Ví dụ: Sự thay đổi sản lượng một hoặc một số loại cây trồng qua các năm, sản lượng lương thực trong một thời kì, sự phát triển về dân số và sản lượng lúa qua các thời kì...

Biểu đồ có nhiều đường khác nhau vẽ theo giá trị tương đối (%): Thích hợp nhất trong việc thể hiện tốc độ tăng trưởng (tốc độ gia tăng, tốc độ phát triển) của một số đối tượng địa lí qua các năm như diện tích, năng suất và sản lượng lúa, sản lượng của một số ngành công nghiệp, số lượng gia súc, gia cầm của ngành chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng về khối lượng vận chuyển của các ngành giao thông vận tải,...

Biểu đồ kết hợp cột và đường: Thích hợp trong việc biểu thị mối tương quan giữa độ lớn và động thái phát triển của các đối tượng có đơn vị khác nhau. Ví dụ: Diện tích và sản lượng lúa/ cà phê... qua các năm, lượng mưa và nhiệt độ, số dự án và số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam qua các năm,...

Biểu đồ hình tròn: Có ưu điểm nổi bật trong việc thể hiện cơ cấu của đối tượng tại một mốc thời gian nhất định.

Biểu đồ các hình tròn có bán kính khác nhau: Thích hợp trong việc thể hiện cả sự so sánh về quy mô và cơ cấu của đối tượng ở các địa điểm hoặc thời gian khác nhau.

Biểu đồ miền theo số liệu tương đối: Thể hiện được cả cơ cấu thành phần và động thái phát triển của các thành phần.

Biểu đồ miền theo số liệu tuyệt đối: Thể hiện được qui mô và động thái của đối tượng.

Xác định biểu đồ theo lời dẫn

Lời dẫn và đặc điểm của bảng số liệu trong bài tập là một trong những cơ sở để xác định loại biểu đồ.

Ví dụ: Trong lời dẫn có các từ “tình hình”, “sự thay đổi”, “diễn biến”, “tăng trưởng”, “phát triển”, “gia tăng”,... và kèm theo là một chuỗi thời gian qua các năm từ... đến..., nên chọn biểu đồ đường biểu diễn.

Trong lời dẫn có các từ “qui mô”, “diện tích”, “khối lượng”, “số dân”, “kim ngạch xuất nhập khẩu”,...và kèm theo một vài mốc thời gian, thời kì, giai đoạn (vào năm..., trong năm..., trong các năm..., qua các thời kì...), nên chọn biểu đồ hình cột.

Trong lời dẫn có các từ “cơ cấu”, “tỉ trọng phân theo”, “chia theo”, “phân ra”, “bao gồm”, “trong đó”,... và số năm trong bảng số liệu không quá 3 mốc, nên chọn biểu đồ hình tròn; nếu có cụm từ “thể hiện qui mô và cơ cấu”, nên chọn biểu đồ tròn có bán kính khác nhau.

Trong lời dẫn có các từ “cơ cấu”, “tỉ trọng phân theo”, “chia theo”, “phân ra”, “bao gồm”, “trong đó”,... và số năm trong bảng số liệu có từ 4 mốc năm trở nên, nên chọn biểu đồ hình miền theo số liệu tương đối.

Ngược lại, nếu có 1-3 mốc năm hoặc cùng năm nhưng ở các địa điểm khác nhau, nên chọn biểu đồ tròn hoặc cột chồng theo giá trị tương đối.

Lưu ý: Khi lựa chọn loại biểu đồ, cũng cần cần phân tích kĩ các yêu cầu của đề ra để xác định mục đích thể hiện của biểu đồ. Cụ thể: Thuộc về động thái phát triển của hiện tượng, so sánh tương quan độ lớn giữa các hiện tượng, thể hiện cơ cấu thành phần của tổng thể hay kết hợp giữa các yêu cầu đó với nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.