Chiến tranh đi qua, nỗi đau ở lại

Chiến tranh đi qua, nỗi đau ở lại

(GD&TĐ) - Ngày 10/8/1961, chiếc máy bay trực thăng H-34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang lên nhiều khu vực của Việt Nam. Cũng từ đó, hệ sinh tháit và đặc biệt là người dân Việt Nam và người tham gia kháng chiến ở  khu vực trên cứ “chết dần” theo sự phá huỷ của chất độc này.

4,8 triệu người vị phơi nhiễm

Thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong suốt 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học trong đó 61% là chất da cam xuống gần ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam bao gồm hầu hết hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển. Với trên 80 triệu lít chất hoá học, trong đó có khoảng 366kg dioxin được phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế. Hậu quả là trong nhiều năm qua, lũ lụt đã tàn phá nghiêm trọng lưu vực các con sông Thạch Hãn, Thu Bồn, Trà Khúc… gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trong vùng.

Là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến, Dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có 3 triệu người là nạn nhân. Đau lòng hơn cả, chất độc da cam/Dioxin “tàn phá” cả thế con, cháu của nhiều người. Các nạn nhân đã mang trong mình nhiều căn bệnh quái ác. Họ đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Trong số họ có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò, cô đơn, không nơi nương tựa. Đặc biệt, có nhiều gia đình có tới 3-4 người là nạn nhân khiến họ rơi vào cảnh kiệt quệ về kinh tế và tinh thần.

 Trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đã được học hoà nhập hoặc chuyên biệt. Ảnh: Xuân Nam
Trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đã được học hoà nhập hoặc chuyên biệt. Ảnh: Xuân Nam

Hành trình tìm công lý

Không chỉ có người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam. Chính phủ các nước đã có trợ cấp cho các cựu binh bị phơi nhiễm chất độc này. Nhưng các bên liên quan lại không thừa nhận những tác hại mà chất độc da cam gây ra cho con người và môi trường Việt Nam. Điều này cho thấy công lý và sự thật vẫn chưa đựoc thực thi trên toàn cầu. Hành trình tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mới chỉ là bắt đầu.

Ngày 30/1/2004 được coi là ngày trọng đại với các nạn nhân bởi đây là lần đầu tiên các nạn nhân đứng lên đòi công lý thông qua việc gửi đơn tại Toà án sơ thẩm quận Brooklyn, bang New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hoá chất độc hại cho quận đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Vụ kiện này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài nước. Đây cũng là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ bởi có số nguyên đơn là người nước ngoài tiến hành tại Mỹ, theo luật Mỹ và do quan toà Mỹ xét xử. Sau 5 năm, qua 3 cấp, Toà án Tối cao Mỹ đã từ chối thụ lý vụ kiện này. Hành động trên đã tạo sự bất bình trong dư luận Mỹ và dư luận quốc tế bởi thái độ thiên vị, thiếu tôn trọng công lý. Tuy nhiên, theo nhận định của các luật sư đại diện cho các nguyên đơn, vụ kiện của các nạn nhân tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn. Thế giới đã biết hơn về con người Việt Nam, hiểu hơn về bản chất của cuộc chiến tranh, âm mưu tiến hành chiến tranh hoá học bằng luận điệu “dùng chất diệt cỏ để khai quang” đã được vạch trần…

Hành động vì những người khổ nhất trong những người khổ

Nạn nhân chất độc da cam được coi là người nghèo nhất trong những người nghèo, người chịu nhiều đau khổ nhất trong những người đau khổ. Vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, dành những khoản chi phí lớn hàng năm để trợ cấp, chăm sóc sức khoẻ các nạn nhân đồng thời triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Hàng triệu m3 đất nhiễm dioxin được xác lập và chôn lấp, tẩy rửa. Môi trường sinh thái nhiều khu vực đã được phục hồi, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân ở vùng nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Với các nạn nhân, có trên 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi. Hơn 50% hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có hộ gia đình là nạn nhân chất độc da cam được hưởng BHYT hoặc khám chữa bệnh miễn phí; 200.000 lượt người tàn tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam đựoc chỉnh hình, phục hồi chức năng; 25% trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc trên được đi học ở các trường hoà nhập và chuyên biệt. Cả nước hiện có 12 làng Hoà Bình, làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuýêt tật theo hình thức tập trung hoặc bán bú, nuôi dưỡng hàng ngàn nạn nhân, chủ yếu là trẻ dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Trung tâm tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng được triển khai ở 31 tỉnh thành nhằm tư vấn, phát hiện những dị tật ở thai nhi. Một số địa phương cũng đã tiền hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho các nạn nhân. 

Nhân kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam, Ban thường vụ UBTWMTTQVN phát động phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nhằm kêu gọi nhân dân, các cấp ngành tiếp tục ủng hộ các nạn nhân, luốn áy cùng cùng họ trong cuộc đấu tranh đòi công lý; Tiếp tục trợ giúp các phương tiện sinh sống cho những người dân ở vùng bị chất độc hóa học tàn phá. Chăm sóc sức khoẻ, ủng hộ xe lăn và làm nhà cho các nạn nhân; Thường xuyên thăm hỏi, động viện các nạn nhân và gia đình có người nhiễm chất độc da cam… góp phần giúp các nạn nhân và gia đình các nạn nhân vơi bớt nỗi đau, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

M.Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ