Đứng trước hoàn cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (BCH - BĐBP Hà Giang) đã đón các em về nuôi dưỡng, cho đi học. Những đứa trẻ không nơi nương tựa đã có một gia đình mới với những người cha mang quân hàm xanh.
Chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh
Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu – nhân viên Đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Lũng Cú) – người dạy bảo trực tiếp cho các em cho biết: 15 ngày sau khi bố đẻ của 3 chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa mất vì bệnh, người mẹ cũng bỏ đi dắt theo con bò giống – tài sản lớn nhất trong nhà. Đã 4 năm trôi qua, chưa một lần người phụ nữ ấy về tìm con hoặc có thông tin đang ở đâu, làm gì.
Mất cha, thiếu vắng mẹ khi đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa giữa 8 tuổi, đứa bé 4 tuổi. Ông bà nội ngoài 70, “kéo cầy trên đá” bươn chải đủ việc để nuôi cháu ăn học cũng không đủ. Cuộc sống khó khăn khiến chị cả Thò Thị Dính và em trai Thò Mí Và sớm phải tham gia lao động phụ giúp gia đình. Sự học của các em vì thế bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ đứt đoạn.
Trong quá trình phụ trách địa bàn, chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh của 3 đứa trẻ, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã đề xuất với BCH BĐBP tỉnh Hà Giang đưa các em về đồn nuôi dạy, chăm sóc và được chấp nhận.
Thế nhưng, để đón được 3 đứa trẻ về đồn không dễ bởi trong suy nghĩ của bà con là “dù thiếu thốn chật vật đến mấy cũng không “cho” cháu, giao cho bộ đội nuôi thì “mất” cháu bởi chúng xuống Đồn ở làm sao còn nhớ đường về với gia đình. Cứ để bọn trẻ ở nhà, chỉ có ngô khoai ăn cũng lớn. Học hành nhiều ít không quan trọng” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu kể.
Vậy là, cán bộ chiến sĩ đồn phải bàn bạc, phối hợp với chính quyền địa phương, Bí thư Chi bộ xã, Trưởng thôn… năm lần bảy lượt xuống nhà gặp gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích. Khi hiểu hết tấm lòng, tình cảm của bộ đội dành cho gia đình mình và như vậy tương lai của 3 cháu tốt hơn, ông bà nội mới đồng ý để cán bộ đưa về đồn nuôi.
Ban Chỉ huy đồn Lũng Cú đã thành lập tổ chăm sóc với 5 người đảm trách để nuôi dạy 3 cháu. Trong đó Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu trực tiếp dạy bảo hàng ngày. Những người lính biên phòng quanh năm với nhiệm vụ bảo vệ đường biên cột mốc, quen với xương gió biên thùy… bỗng trở thành những người cha nuôi và đảm trách thêm nhiệm vụ nuôi, dạy trẻ.
Người cha mang quân hàm xanh
Nhớ lại ngày đầu 3 chị em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thò Thị Xúa xuống đồn bắt đầu cuộc sống mới, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu chia sẻ: Dù chuẩn bị trước tâm lý các con chưa quen môi trường mới xong không thể ngờ chúng khóc nhiều vì nhớ nhà và nhất mực đòi về như vậy. Môi trường sống, nếp sinh hoạt mới khiến chúng sợ và cảm thấy xa lạ.
“Lúc đó, anh em chiến sĩ chỉ biết kiên nhẫn dùng tình cảm yêu thương, gần gũi để dỗ dành, động viên các cháu như con mình. Ngày nào trôi qua bình yên, chúng tôi yên tâm ngày ấy bởi nỗi lo 3 đứa trẻ tìm cách trốn, băng rừng về nhà và gặp nguy hiểm luôn thường trực. Mặt khác, những ngày cuối tuần cán bộ chiến sĩ dù bận công việc đến mấy vẫn phải cắt cử nhau dành thời gian đưa 3 đứa trẻ về thăm ông bà. Có như vậy nỗi nhớ nhà mới vơi đi để các cháu yên tâm và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống mới, đồng thời chú tâm học tập…” – Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu chia sẻ.
Lúc mới về đồn, chiều cao cân nặng của 3 đứa trẻ đều không đạt chuẩn, nhỏ thó so với các bạn cùng tuổi. Kĩ năng sống thiếu và yếu, không biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Cả 3 đều nhút nhát và sợ người lạ mỗi khi ai đến gần hỏi thăm. Sức học của Thò Thị Dính và Thò Mí Và đều trung bình.
Sau thời gian ngắn dưới sự chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ đồn Lũng Cú từng bữa cơm, giấc ngủ, hướng dẫn tập thể dục đều đặn… thể trạng 3 chị em tăng nhanh và khỏe mạnh. Thò Mí Và (12 tuổi) nhỏ thó ngày nào hiện đã nặng 49kg, cao 1,6m. Và nhờ sự kèm cặp sát sao của Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu cùng sự quan tâm, chỉ bảo hết lòng của các cô giáo, học lực Thò Thị Dính và Thò Mí Và đều đạt loại khá, giỏi.
Không có sự dạy bảo của bố mẹ, trẻ em dân tộc lại ít tiếp xúc với xã hội, tiếng Kinh chưa nói sõi… nên 3 chị em bị hạn chế nhiều mặt. Do đó sự hỗ trợ kiến thức văn hóa chỉ là một phần, quan trọng hơn phải giáo dục, bồi đắp kĩ năng sống khi các em chuẩn bị bước vào tuổi lớn. Và chỉ có như vậy mới giúp các em nhanh chóng hòa nhập cùng môi trường mới. Đó là vấn đề tổ chăm sóc và Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu nhận định và đặt ra để thực hiện.
Với Thò Thị Dính bước vào tuổi dậy thì, Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu lại bàn bạc, phối hợp với GV chủ nhiệm trên lớp để nhờ dạy bảo, hỗ trợ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, chia sẻ những điều thầm kín như người mẹ…
“Dạy bảo, chăm sóc 1 đứa trẻ đã khó, 3 đứa trẻ đủ lứa tuổi là việc không dễ dàng. Mặt khác, giáo dục hiện nay với nhiều đổi mới đòi hỏi người lính phải học hỏi thêm để giúp trẻ tiếp thu nhanh, quan tâm dạy kĩ năng sống, giáo dục đạo đức giúp trẻ phát triển toàn diện… Tuy nhiên, được đơn vị phân công, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đầy cơ duyên, luôn trách nhiệm hết mình và dành tình yêu thương chân thành cho các cháu. Chúng tôi phải làm thật tốt vì các cháu, uy tín và danh dự của những người lính biên phòng” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Dậu bày tỏ.