Người cha của những mảnh đời bất hạnh
Ba chị em người dân tộc Mông lớn 11 tuổi (Thò Thị Dính), giữa 10 tuổi (Thò Mí Và), út 5 tuổi (Thò Thị Súa) tại xã Mã Lé vừa chập chững bước vào đời đã rơi vào hoàn cảnh éo le khi bố bệnh tật mất sớm, mẹ bỏ lại ba con thơ dại đi lấy chồng và biệt tích đến nay. Mất cha, thiếu mẹ, những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn đói khát. Các em lớn lên hoang dại như cây cỏ vì thiếu tình thương, bàn tay chăm sóc hàng ngày của người thân, cha mẹ.
Trong quá trình công tác gắn bó với địa bàn hàng ngày, thượng úy Vừ Mí Chứ - Đội trưởng đội Vận động quần chúng nắm bắt được hoàn cảnh của 3 em Thò Thị Dính, Thò Mí Và, Thọ Thị Súa nên đã tham mưu với lãnh đạo Đồn biên phòng Lũng Cú nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường”.
Được chỉ huy đồn đồng ý, 3 chị em đã được nhận về đồn Biên phòng Lũng Cú nuôi nấng hàng ngày và thượng úy Vừ Mí Chứ được giao nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo chuyện học hành cho ba đứa trẻ. Từ ấy, chúng gọi thượng úy Vừ Mí Chứ là cha. Anh có thêm 3 đứa trẻ là con nhưng cũng có thêm ngần ấy nỗi lo toan trách nhiệm với cuộc đời của chúng.
Với tâm niệm dành cho những đứa trẻ tình thương yêu như chính con ruột của mình nên thượng úy Vừ Mí Chứ không quản ngại vất vả. Ngoài giờ các em tới trường lên lớp, anh bỏ công sức kèm cặp các em học tập hàng tối, kiểm tra lại kiến thức tiếp thu trên lớp và bù đắp thêm nếu còn trống. Nhiều khi giúp các em hoàn thành xong học tập vào buổi tối rồi đi ngủ thì anh phải tiếp tục thức tới 1-2h đêm để làm nốt các công việc của mình.
Không chỉ một mình chăm sóc các con, anh còn nhờ và kéo vợ vào việc dạy bảo 3 đứa trẻ cùng mình. Cô con gái 11 tuổi, Thò Thị Dính đang bước vào tuổi dậy thì với nhiều tâm sự khó chia sẻ đã có vợ anh lắng nghe, và dạy bảo đầy đủ những kĩ năng cần thiết. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần anh đưa chúng về nhà mình (cách đồn 8km) để chúng được hòa mình vào tình thân, sự ấm áp gia đình và cũng để vợ cùng mình dạy bảo thêm các con những điều cần thiết.
Đến nay, sau gần 2 năm được chăm sóc dạy bảo trực tiếp bởi thượng úy Vừ Mí Chứ, ba đứa trẻ như thay da đổi thịt, các em được học hành, có sự tiếp thu nhận thức nhanh nhẹn, học tập khá.
Đồng hành cùng giáo dục
Trong quá trình công tác hàng ngày, công việc vận động quần chúng của thượng úy Vừ Mí Chứ gắn liền với người dân. Chính vì vậy, một vai nhiều gánh anh không chỉ làm nhiệm vụ phổ biến tuyên truyền pháp luật, chỉ bảo cho bà con cách lao động sản xuất đạt hiệu quả năng suất… mà anh còn trở thành người thầy dạy chữ cho nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của hai xã Ma Lé, Lũng Cú (huyện Đồng Văn – Hà Giang) thuộc địa bàn của đồn Biên phòng Lũng Cú phụ trách quản lý.
Xã Ma Lé và Lũng Cú với 100% thành phần dân tộc Mông mà giáo viên lại chủ yếu người Kinh. Nếu mới về công tác các cô chưa thể thành thạo tiếng Mông, còn học sinh càng không thể hiểu tiếng Kinh nên việc dạy học gặp những khó khăn nhất định. Chính vì vậy thượng úy Vừ Mí Chứ tình nguyện giúp đỡ vào việc dịch tiếng Việt sang tiếng Mông và ngược lại cho giáo viên và học sinh trong bản ở nhiều buổi học. Cô giáo dạy tới đâu anh dịch sang tiếng Mông tới đó, khi học sinh trả lời hoặc phát biểu anh lại dịch từ tiếng Mông sang tiếng Kinh để cô giáo hiểu.
Ngoài việc đơn vị, thượng úy Vừ Mí Chứ dành gần như hoàn toàn thời gian trống của mình để chăm sóc cho ba đứa con nuôi tại đồn, rồi lại xuống núi giúp dịch tiếng Mông sang tiếng Việt và ngược lại phụ giúp giáo viên ở lớp học… Chính vì vậy anh không có nhiều thời gian dành cho vợ con, với mình để nghỉ ngơi thư giãn lại càng không có.
Với những công việc đã làm cùng nhiều tâm huyết đang hàng ngày dành cho giáo dục chắc chắn thượng úy Vừ Mì Chứ sẽ còn gắn bó và còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa thượng úy Vừ Mí Chứ và nhiều thầy giáo quân hàm xanh đã và mãi xứng đáng là biểu tượng cao đẹp trong lòng mỗi người dân vùng biên giới hải đảo nơi các anh đang công tác.
Thượng úy Vừ Mí Chứ cho biết: Bên cạnh công việc chính của đơn vị anh sẽ tiếp tục dạy bảo và chăm sóc cho 3 đứa trẻ mà đồn biên phòng Lũng Cú nhận đỡ đầu. Ngoài ra anh sẽ tiếp tục những công việc gắn bó với ngành giáo dục như: vận động trẻ tới trường, phiên dịch giúp học trò và cô giáo trong các buổi học khi cần; chỉ bảo và dạy dân những kĩ năng trồng trọt cần thiết, tuyên truyền giúp dân hiểu được các chính sách pháp luật trong cuộc sống…