Chiến lược hạt nhân của Mỹ và Hàn Quốc

GD&TĐ - Mỹ, Hàn Quốc đã ký các hướng dẫn răn đe hạt nhân chung để ứng phó với những gì họ gọi là mối đe dọa hạt nhân đang phát triển của Triều Tiên.

Oanh tạc cơ B-52H của Mỹ trong cuộc diễn tập hạt nhân chung với Hàn Quốc.
Oanh tạc cơ B-52H của Mỹ trong cuộc diễn tập hạt nhân chung với Hàn Quốc.

Vậy điều gì ẩn sau thỏa thuận này?

Mục tiêu của Mỹ - Hàn

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phê chuẩn hiệp ước hạt nhân chung sau khi được các quan chức quốc phòng ký vào tháng 7.

Thỏa thuận này có tên là "Hướng dẫn của Mỹ-Hàn Quốc về Răn đe hạt nhân và Hoạt động hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên".

Konstantin Asmolov thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á Hiện đại có trụ sở tại Moscow trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phát biểu với TASS rằng thỏa thuận gần đây có thể nhằm vào Nga và Trung Quốc ngay từ đầu, trong khi mối đe dọa từ Triều Tiên chỉ được coi là cái cớ cho quân đội và có thể là cả việc tăng cường vũ khí hạt nhân.

Theo ông, Mỹ sẵn sàng biện minh cho mọi hành động nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn với Trung Quốc và Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bằng "mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên".

"Mặc dù thực tế là tài liệu này về mặt chính thức là về việc ngăn chặn, nhưng nó có khả năng làm gia tăng căng thẳng.

Về bản chất, nó là về việc khôi phục lại vũ khí hạt nhân cố định tại Bán đảo Triều Tiên và chiếc ô hạt nhân của Mỹ đối với Hàn Quốc", ông Asmolov nói.

Theo các thỏa thuận mới, Mỹ sẽ cam kết "các vũ khí hạt nhân cụ thể" để răn đe người hàng xóm phía bắc của Seoul, Kim Tae-hyo, phó giám đốc an ninh quốc gia tại Hàn Quốc, giải thích theo trích dẫn của Associated Press.

Hãng tin này lập luận rằng điều đó không nhất thiết có nghĩa là Mỹ sẽ triển khai vũ khí hạt nhân vĩnh viễn trên bán đảo, tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin cụ thể về các hướng dẫn.

Mỹ lần đầu triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc vào năm 1958, trong khi vào năm 1991, vũ khí hạt nhân này đã được rút khỏi bán đảo dưới thời Tổng thống George HW Bush.

Trước đó, Seoul và Bình Nhưỡng đã có nhiều nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về khu vực.

Mặc dù quá trình hòa giải giữa Bắc và Nam Triều Tiên dường như có được sự khởi sắc sau khi được chính quyền ông Trump làm trung gian, Tổng thống Biden và nhóm cố vấn đã đảo ngược chiến lược mà những người tiền nhiệm theo đuổi.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng ủng hộ Tổng thống Yoon, người đã công khai tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng sau khi nhậm chức.

Từ năm 2022, Washington và Seoul đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng. Kết quả là, vào tháng 1 năm 2024, Triều Tiên tuyên bố sẽ không còn tìm cách hòa giải và thống nhất với miền Nam.

Theo Tiến sĩ Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng, Hàn Quốc cảm thấy bất an và đã yêu cầu Washington đưa ra thêm các đảm bảo.

"Thỏa thuận mới này chỉ là một nỗ lực nữa của Mỹ nhằm xoa dịu cảm giác bất an ngày càng gia tăng của Seoul", học giả Baohui nói với thông tấn Nga.

"Đây cũng là cách Washington ngăn cản Seoul phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc đề xuất khả năng hạt nhân độc lập vì họ không tin tưởng vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Washington không muốn chứng kiến ​​sự phát triển này và do đó sẵn sàng cứng rắn hơn trong thông điệp về khả năng răn đe hạt nhân mở rộng", vị tiến sĩ này nói.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên vì lợi ích của Hàn Quốc hay không, khi "uy tín của khả năng răn đe mở rộng của Mỹ đang dần bị xói mòn", Baohui cho biết.

Năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Tờ Izvestia dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, mặc dù Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) đứng cuối cùng trong số các quốc gia có vũ khí hạt nhân tính theo số lượng đầu đạn, chương trình hạt nhân của nước này vẫn khiến Mỹ đặc biệt lo ngại.

Số liệu của SIPRI cho biết, kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng ước tính gồm 50 đầu đạn. Triều Tiên có nhiều phương tiện thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến lược và chiến thuật.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn có KN-23. Vũ khí này có nhiều điểm tương đồng với Iskander-M của Nga, có phạm vi chiến đấu từ 600-700 km.

Tên lửa KN-24. Tên lửa này tương tự ATACMS của Mỹ, có phạm vi 400 km. Ngoài ra còn có tên lửa tầm ngắn KN-25, có phạm vi 380 km.

Cùng với đó, kho tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên còn ấn tượng hơn, bao gồm: Hwasong-7 (Nodong), có tầm bắn 1.200-1.500 km.

Tên lửa Pukguksong-2, sử dụng nhiên liệu rắn, có phạm vi lên tới 1.200 km; Tên lửa Hwasong-10 (Musudan), tầm bắn 2.500-4.000 km; Tên lửa Hwasong-12, tầm bắn 3.700-4.500 km.

Sức mạnh đáng sợ nhất trong kho hạt nhân của Triều Tiên chính là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bao gồm:

Tên lửa Hwasong-14, có khả năng đạt tới tầm bắn 10.000 km, bao phủ phần lớn lục địa Mỹ; Tên lửa Hwasong-15 - ICBM mạnh nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên, với tầm bắn ước tính khoảng 13.000 km.

Cùng với đó còn có Hwasong-17, được biết đến là tên lửa lớn nhất được Triều Tiên thử nghiệm, với tầm bắn về lý thuyết vượt quá 15.000 km, khiến nó có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Trái Đất.

Kho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên cũng rất mạnh với Pukguksong-1, có tầm bắn ước tính 1.200 km và Pukguksong-3, phiên bản mới hơn với tầm bắn ước tính khoảng 2.000 km.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ