Giải mã băn khoăn khi đăng ký xét tuyển đại học

GD&TĐ - Nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn, khi đăng ký xét tuyển đại học cần tìm thông tin ở đâu cho chính xác nhất?

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Liên).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Nguyễn Liên).

Chọn ngành học trước rồi mới chọn trường

Tại Tọa đàm: Những “chiến thuật” tạo lợi thế trong tuyển sinh đại học 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo Quy chế tuyển sinh, tất cả trường đại học đều phải công bố Đề án tuyển sinh trong thời hạn quy định.

Thông tin tuyển sinh của các trường phải được công bố công khai, rộng rãi để thí sinh có thể tiếp cận được. Tất nhiên, đây cũng là điều các trường mong muốn để có nhiều thí sinh biết đến và tiếp cận được thông tin của trường.

Theo Kế hoạch tuyển sinh, từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Hiện, nhiều thí sinh còn lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ tư vấn, thí sinh cần chọn ngành học trước rồi mới chọn trường, thay vì ngược lại. Ngành học cần được chọn dựa trên đam mê, yêu thích cùng năng lực, sở trường của mình. Nếu lựa chọn sai ngành, việc các em thi lại, học lại và chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian cũng như những nguồn lực khác.

“Chính vì thế, ngành học phải được xác định trước. Không nên chỉ vì thích một trường mà lựa chọn tất cả ngành học, để nhất định trúng tuyển vào trường đó. Quan điểm có thể khiến các em cảm thấy hối tiếc về sau” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ khuyến nghị.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên thí sinh cân nhắc để lựa chọn ngành học, sau đó xem xét những trường đại học, cơ sở đào tạo nào có uy tín, rồi so sánh giữa các trường (dựa trên tìm hiểu thông tin về môi trường, đội ngũ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, phòng thí nghiệm hỗ trợ việc đào tạo, mạng lưới doanh nghiệp...) để đăng ký nguyện vọng phù hợp.

Điều quan trọng là các em cần nắm vững là chương trình đào tạo của ngành đó như thế nào, cũng như các yếu tố về năng lực tài chính của gia đình, khoảng cách địa lý... để cân nhắc lựa chọn trường nào sẽ thích hợp nhất.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay, các trường nếu có thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định như vậy, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy cô ở cơ sở đào tạo và Bộ GD&ĐT, còn các em sẽ được đảm bảo quyền lợi tối đa.

Tránh sai sót không đáng có

xettuyendaihoc.jpg
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. (Ảnh: Đức Hiệp).

Năm 2024, Quy chế tuyển sinh vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, với thí sinh lần đầu tiên ứng tuyển có thể còn bỡ ngỡ. Do đó, để tránh xảy ra sai sót không đáng có, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ lưu ý, như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.

Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những mốc thời gian quan trọng đã được công bố trong Kế hoạch tuyển sinh chung, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.

Một điểm nữa thí sinh cũng đặc biệt lưu ý là, khi thí sinh được thông báo đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Điều này vô cùng quan trọng, bởi nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên Hệ thống, thí sinh sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở nhiều trường đi chăng nữa.

Vì thế, các em cần nhập nguyện vọng của mình lên Hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 (là nguyện vọng cao nhất) sau đó đến nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

Một chiến thuật mà PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyên thí sinh là, các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên.

Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Như vậy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. “Chẳng hạn, thí sinh đã trúng tuyển sớm vào một trường đại học và đó là ngành học yêu thích. Nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1 trên Hệ thống, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy dẫn giải.

Các mốc thời gian quan trọng sau thi tốt nghiệp THPT năm 2024:

- Từ ngày 1/7 đến ngày 20/7, cấp tài khoản bổ sung cho thí sinh tự do chưa có tài khoản trên Hệ thống.

- Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

- Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8: Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.

- Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống.

- Trước 17 giờ ngày 19/8, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

- Chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.