Chiếc 'quần' ba năm

GD&TĐ - 'Nhỏ Mai nhà nghèo mà ăn mặc sành điệu phải biết. Ai như mày, bố làm công an, mẹ làm ngân hàng mà như ăn mày thế hả?'.

Chiếc 'quần' ba năm

“Thì tao là ăn mày thiệt mà, ăn mày tiền của bố mẹ tao. Tao làm gì có đồng nào”.

“Chúng nó gọi mày là “Thư ăn mày” là đúng phải không?”.

“Ừ” - Thư mỉm cười gật đầu.

Nhỏ An trợn tròn mắt rồi không thèm nói chuyện với Thư nữa. Gia đình Thư thuộc hàng khá giả, người thân trong nhà đều làm ông này bà nọ, có chức có quyền. Thư ngoan ngoãn và học rất giỏi. Thầy cô trong trường ai cũng quý mến Thư. Bạn bè cũng không ai ghét Thư.

Tuy nhiên, Thư có một điểm trừ chính là phong cách ăn mặc giản dị và thường rất lệch quẻ với đám bạn nữ trong lớp mỗi khi lớp tổ chức đi chơi cắm trại. Có bạn từng “phát hiện” Thư mặc một chiếc quần jean ba năm mà chưa chịu vứt đi.

Bước qua tháng 12, thời tiết bắt đầu trở nên se lạnh, Thư mặc chiếc áo ấm đã phai màu ngắm mình trong gương rồi mỉm cười vui vẻ. Thư đang tưởng tượng đến biểu cảm của nhỏ An và cả lớp khi nhìn thấy Thư mặc chiếc áo ấm này vào lớp. Chắc hẳn bọn họ sẽ lại trêu chọc Thư, gọi “Thư ăn mày”.

“Thư, chiều nay mẹ tan làm về sớm đưa con đi mua đồ mới nhé. Mẹ thấy chiếc áo ấm này của con sắp từ màu hồng chuyển sang màu trắng rồi đấy”.

“Nhưng con vẫn còn mặc vừa và áo vẫn còn rất ấm mà mẹ”.

“Có phải con thích kiểu dáng này không? Mẹ tìm đặt mua cho con một cái khác giống như thế này nhé”.

“Không cần đâu ạ. Khi nào con mặc không vừa nữa thì con sẽ xin tiền mẹ mua áo mới. Bây giờ thì còn đi học đây”.

Thư dứt khoát từ chối lời đề nghị mua áo ấm mới của mẹ. Mẹ Thư cũng không bất ngờ với phản ứng của Thư. Bởi vì bà cũng đã đưa ra lời đề nghị mua sắm quần áo mới mấy lần nhưng đều bị Thư từ chối.

Thậm chí có lần bố Thư đề nghị đưa Thư đi mua điện thoại mới, vì hai ông bà thấy điện thoại của Thư đã cũ kỹ và có phần lỗi thời, lo lắng sợ Thư sẽ mặc cảm với bạn bè nhưng Thư bất ngờ lắc đầu từ chối. Bà mừng vì con gái biết tiết kiệm và không đua đòi như những bạn bè cùng trang lứa.

Nhưng bà cũng không biết vì sao con gái còn chưa trưởng thành đã biết suy nghĩ tiết kiệm như thế. Ở chỗ làm việc, bà thường nghe đồng nghiệp than thở về những đứa con của mình.

Điện thoại nào mới ra đều bắt bố mẹ mua cho, quần áo mặc ra đường chỉ cần bạn bè chê một lời lập tức về nhà vứt bỏ hết. Mỗi năm họ phải bỏ ra rất nhiều tiền cho việc sắm quần áo mới liên tục cho con. Mỗi bà là tốn ít nhất.

***

Vừa dắt xe vào bãi đỗ xe của trường Thư đã bị An túm lấy áo trừng mắt hét lớn.

“Thư, bà thật sự yêu thích biệt danh “Thư ăn mày” lắm đúng không? Tui cảm thấy tiếc cho cái nhan sắc trời cho của bà. Tại sao xinh đẹp dễ thương thế này lại bị bà phá hỏng như thế hả?”.

Thư chỉ mỉm cười nhưng không nói gì bởi vì cô đã đoán trước được phản ứng của nhỏ An. Thư đi vào lớp, nhỏ An bên cạnh vẫn luyên thuyên không ngừng về việc ăn mặc của cô.

Vốn dĩ những năm trước đây Thư cũng là một cô bé sành điệu, chưa bao giờ để bạn bè có lý do chê bai bắt bẻ cách ăn mặc của mình. Thế nhưng trong một lần Thư cùng với mẹ và đồng nghiệp của mẹ đi trao quà cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn.

Thư nhìn những đứa trẻ không có ba mẹ ở bên cạnh, phải tự bươn chải mưu sinh kiếm sống, mặc những bộ quần áo cũ mèm, thậm chí còn không được lành lặn. Nhìn lại chính mình, quần áo mặc chưa kịp cũ thì Thư đã được mẹ mua sắm cho cái mới.

Mỗi lần đi dự đám tiệc Thư lại được mặc một chiếc đầm khác nhau và cũng chưa bao giờ mặc cùng một chiếc đầm đi dự tiệc hai lần. Cho nên tủ quần áo của Thư luôn chật kín. Giày dép cũng vậy, đủ mọi kiểu dáng và phong cách.

Thư cảm thấy mình thật sự may mắn vì được sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn các bạn. Và cũng thấm thía câu bố Thư thường hay nói “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Thư nghĩ bản thân cần nên sống tiết kiệm lại.

Có một lần Thư cùng mẹ về nhà, trên đường gặp một tình huống khiến Thư phải suy nghĩ rất nhiều về bản thân. Một bà mẹ và đứa con gái nhỏ đang cãi nhau trên đường.

“Ngày mai mẹ mua áo khoác mới cho con đi, con không muốn mặc cái áo này nữa. Bạn bè sẽ cười vào mặt con đấy. Cái áo nó lỗi thời gì đâu á. Mặc vào cứ như bà già”.

“Con mặc tạm đi nhé. Sang tháng sau mẹ sẽ cố gắng dành dụm tiền mua áo mới cho con. Tháng này trời cứ mưa miết, hôm nào mẹ cũng bán không hết vé số cho nên không có tiền dư để mua áo mới cho con được”.

“Con không chịu. Mẹ làm sao thì làm. Nếu mẹ không mua áo mới cho con thì con sẽ không đi học nữa” - cô bé dùng dằng bỏ đi trước, không thèm chờ mẹ của mình.

Thư ngồi trên xe khẽ nhíu mày. Rõ ràng mẹ bạn ấy đã nói rõ lý do tại sao không thể mua áo mới cho bạn ấy rồi, tại sao bạn ấy vẫn còn cố chấp như vậy. Nhìn người mẹ thở dài rồi vừa đuổi theo vừa mời mọi người đang chờ đèn đỏ mua vé số mà Thư cảm thấy thương xót bà. Chắc có lẽ bà đang rất buồn, tại sao con của bà ấy lại không nhìn thấy được cảnh bà ấy phải cực khổ kiếm tiền ra sao chứ.

Buổi tối, Thư đem bài tập toán đến phòng tìm mẹ giúp đỡ nhưng còn chưa kịp đẩy cửa vào Thư đã nghe thấy giọng nói của mẹ. Có lẽ mẹ đang nói chuyện điện thoại với sếp, bởi vì Thư liên tục nghe mẹ xin lỗi và cuối cùng hứa sẽ hoàn thành hết công việc để sáng mai nộp cho sếp.

Thư đỏ mắt ngậm ngùi trở về phòng. Bố mẹ Thư mặc dù công việc ổn định, tiền lương cao nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi trong công việc và dễ dàng nhận được tiền. Lúc này, Thư nhớ lại những lời mẹ từng nói với cô.

“Bất cứ công việc nào cũng vậy, muốn nhận được tiền lương thì phải bỏ công sức ra làm. Con có quyền chọn việc nặng hay nhẹ nhưng tất cả đều phải cố sức làm việc thì đến tháng con mới nhận được tiền. Không ai chấp nhận trả tiền cho một người không làm gì cả”.

Thư chợt nghĩ những bộ quần áo mới Thư được mẹ mua cũng đều là tiền của bố mẹ Thư vất vả làm việc. Tự nhiên Thư cảm thấy có lỗi và hối hận vì những lần cô ngang ngược xin bố mẹ mua đồ mới, trong khi tủ quần áo lại đầy kín và có những bộ còn chưa từng mặc qua một lần.

Thử nghĩ, nếu lúc Thư xin tiền nhưng lúc đó bố mẹ lại hết tiền thì sao. Hoặc bố mẹ cần tiết kiệm để chi trả nhiều khoản tiền khác trong nhà. Giống như người mẹ bán vé số hôm nay Thư tình cờ gặp trên đường.

***

“Thư nói thật với tui đi. Có phải bà bị ai bỏ bùa rồi không? Rõ ràng ngày xưa lúc học cấp hai bà sành điệu lắm mà. Tại sao ba năm lên cấp ba lại như ăn mày như vậy? Chẳng lẽ bố mẹ bà đã khắt khe hơn trong chuyện tiền nong với bà hả?”. An vẫn không buông tha cho Thư, vẫn muốn tìm ra lý do khiến Thư trở nên lỗi thời, keo kiệt như hôm nay.

“An này! Tiền bố mẹ bà cho bà hàng ngày, bà có biết tiền đó từ đâu mà ra không?”, Thư không trả lời mà hỏi ngược lại An.

“Dĩ nhiên là biết. Bố mẹ tui đi làm người ta trả lương cho bố mẹ tui chứ sao”.

“Bố bà làm bảo vệ đúng không? Trời mưa hay nắng đều phải đứng giữ xe cho người ta đúng không? Cho dù mệt mỏi buồn ngủ cũng không được phép chợp mắt. Mẹ bà làm công nhân may, phải ngồi may từ sáng đến chiều, mỏi cả lưng cũng không được nằm nghỉ giây phút nào đúng chứ?

Nếu bà không mua một cái áo ấm mới, chiếc quần mới thì có phải tiền trong nhà bà sẽ dư dả ra một chút. Bố mẹ bà sẽ có lúc đỡ vất vả hơn không? Quần áo còn mặc được, tại sao lại phải vứt đi mà mua cái mới. Bà có biết bên ngoài có biết bao nhiêu người muốn có một cái áo ấm, chiếc quần lành lặn cũng là khó khăn với họ hay không?”.

An gục đầu xuống bàn, không hỏi thêm Thư điều gì nữa. Kể từ ngày hôm đó An cũng bắt đầu thay đổi như Thư, không những không còn trêu chọc Thư mà khi có bạn cười nhạo Thư, An sẽ đứng ra bênh vực.

“Thư này! Lễ Giáng sinh sắp tới bà cũng định mặc tiếp chiếc quần ba năm kia đi chơi cùng cả lớp đúng không?”, An bất ngờ hỏi Thư khi cả hai đang cùng nhau làm bài tập. Thư mỉm cười gật đầu. Thư cứ nghĩ sẽ bị An tiếp tục trêu chọc nào ngờ An mỉm cười khúc khích.

“Tui cũng không mua quần áo mới nữa. Mặc lại chiếc quần yêu thích của tui mua từ Giáng sinh năm trước thôi”.

Thư ngạc nhiên rồi cũng mỉm cười. Cô thầm nghĩ, phải chi tất cả các bạn trẻ đều biết suy nghĩ, biết tiết kiệm và đừng đua đòi quá đáng với bố mẹ mình thì tốt biết mấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ