Nhung đẩy chiếc Honda ra trước sân, mặc vội bộ quần áo, mang cặp sách đến trường. Giờ này chắc lũ học sinh trong bản đã dậy, đi bộ đến lớp học.
Sau khi tranh thủ lót dạ bằng củ khoai trong nồi, Nhung buộc thêm mớ đồ lỉnh kỉnh trên xe - đồ đạc của một tuần đi dạy trong bản. Cứ đều đặn mỗi sáng thứ Hai, cô chuẩn bị mọi thứ rồi leo lên “con ngựa chiến” và ở tận trong bản đến cuối tuần mới về nhà.
Hành trang mang theo lúc nào cũng chỉ có một chiếc ba lô làm bằng chất liệu nilon, tránh được nước và bùn đất, một đôi ủng dài đến đầu gối. Quần áo mặc bên trong chủ yếu là đồ ở nhà.
Lúc đến trường cô mới vào phòng vệ sinh để thay bộ đồ đứng bục giảng. Vì mùa này tới lớp, đường vào bản lầy lội. Nếu không phải là một tay lái thuần thục, chắc Nhung sẽ ngã liên tục và có mặt ở trường trễ giờ.
Tính đến thời điểm này, Nhung đã dạy ở ngôi trường tiểu học ấy được mười năm, mười năm với bao vất vả gian nan. Từ lúc còn là một cô sinh viên mới ra trường, da trắng, tóc dài, đến bây giờ cô đã thành một cô gái đen nhẻm, gầy gò và mái tóc cắt ngắn, gần sát cổ.
Ai cũng bảo miền sơn cước này bào mòn sức trẻ quá. Những lúc như vậy, Nhung chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền hậu, đôi mắt to tròn nhìn theo những niềm kiêu hãnh của mình đang lon ton chạy nhảy vui đùa ngoài sân trường. Ở đó, cô nhận được một niềm vui vô bờ, niềm an ủi làm động lực giúp cô bước tiếp trên con đường làm giáo viên của mình.
Còn nhớ, lần đầu tiên nhận công tác tại trường, thầy hiệu trưởng đã hỏi Nhung:
- Em có nguyện ở lại bản, cùng thầy và giáo viên nhà trường, giúp lũ học trò nhỏ biết được cái chữ không?
Nhung khi đó còn trẻ, lại đang phơi phới lửa nghề, nên cô gật đầu ngay:
- Dạ có chứ thầy, em sẽ cùng mọi người gieo cái chữ, niềm tin hi vọng cho các em vùng sâu vùng xa, vì em biết các em rất thiếu thốn, lại không biết chữ nữa thì khổ lắm.
Thầy hiệu trưởng nhìn vào ánh mắt của Nhung, trao một cử chỉ trìu mến, ân cần. Và cũng như một lời động viên ngầm, giúp Nhung tự tin hơn trên bước đường của mình.
***
Sáu tháng của năm học đầu tiên, Nhung choáng. Sự thật vẫn luôn là nỗi ám ảnh khiếp sợ đối với những thầy cô mới ra trường. Lớp học cheo leo đỉnh núi, hằng ngày ngoài giờ đến lớp, lũ học trò còn phải phụ giúp cha mẹ trông em để cha mẹ đi nương, đi rẫy.
Nếu nhà nào có ít anh em hơn thì cũng chỉ có một đứa đi học, đứa lớn hơn phải ở nhà đi làm cùng cha mẹ. Việc của Nhung là phải đi vận động từng gia đình, để cho các con tiếp tục đến trường. Đồng thời, cô còn phải hứa hẹn với các gia đình chăm sóc các con đầy đủ, để cha mẹ chúng yên tâm cho chúng đi học, ở lại trường.
Nhung nghiễm nhiên trở thành cha, thành mẹ của hai mươi ba đứa trẻ. Ban ngày tới trường, ban đêm vẫn miệt mài ở khu nội trú, dạy cho các con bài ngày mai.
Ở nơi rừng núi xa xôi này, Nhung thèm khát được đi chơi, được thả hồn vào những chuyến phiêu lưu cùng bạn bè, được đắm mình trong sự mát mẻ của những vùng biển. Và hơn hết nữa là được bên cạnh người Nhung thương yêu, kể cho anh nghe về những điều thú vị nơi đây.
Nhung ngày ngày, vùi đầu vào giáo án, xong xuôi rồi phụ bé này học bài, phụ bé kia tắm giặt; giúp dân bản việc này, việc kia. Tất cả đều dồn vào một lúc, và không có ngày nào Nhung có thể ngơi tay. Cho đến khi nhìn lại mình trong gương, cô mới giật mình thảng thốt:
- Ô, sao mình già, đen và xấu thế? Nhung của ngày nào đâu rồi?
Nghĩ đến việc người đàn ông yêu thương của đời mình nhìn mình với con mắt nghi hoặc và ngỡ ngàng, Nhung tự thu mình lại, chẳng muốn trở về gặp anh. Rồi ý nghĩ sẽ rời xa nơi này cứ nhen nhóm trong đầu Nhung.
Cô nghĩ đến một ngày cô phải vùng khỏi nơi này, giống như nhân vật Mỵ đã từng vùng khỏi ngôi nhà của Thống Lý Pá Tra, để đi tìm một chân trời mới. Nhưng đối với Nhung, tất cả những quyết định, việc làm nơi thôn bản này, là do cô tự nguyện, không một ai bắt ép.
Hơn nữa, cô đã từng ngồi trước màn hình tivi, khóc thút thít khi thấy các thầy giáo, cô giáo tới trường trong bộ quần áo lấm lem. Và cô muốn mình góp một chút nhỏ bé, để cùng đồng nghiệp trải qua những khó khăn phía trước đối với những đứa trẻ vùng cao.
Thật sự, khi nhìn những ánh mắt to tròn, đen lay láy, ánh lên những khao khát, Nhung lại thấy mình nhỏ bé, thấy bước chân trở về chùng lại.
***
Khu vực vùng núi nơi Nhung công tác đang có những đổi thay cho năm học mới. Năm nay được sự hỗ trợ của sở giáo dục và đào tạo, một số mạnh thường quân ở thành phố, ngôi trường được sơn sửa lại.
Dãy phòng học cũ kĩ được thay bằng ngôi nhà mới, khang trang. Khu nội trú cũng được bổ sung thêm giường, bàn học. Hằng tuần, ngoài những hộp sữa được tài trợ, các em học sinh còn được thêm một bữa cơm có thịt. Niềm vui đong đầy trong mắt lũ nhỏ. Ngày cả lớp 5a2 của Nhung được nhận những bộ đồng phục mới, cặp sách mới, chúng vui mừng, ào đến khu tập thể giáo viên khoe với cô.
Rồi mỗi đứa còn tinh ý, gom những lốc sữa được tài trợ, bỏ vào thùng gạo cho cô giáo, bảo cô phải ăn uống thật nhiều, mập hơn, để dạy chúng con dài dài nữa. Nhung nhìn những bàn tay nhỏ xíu, đen đúa, nước mắt cô rưng rưng. Hành trình mang con chữ của cô và các thầy cô trong nhà trường bắt đầu có những quả ngọt.
***
- Em có bằng lòng làm vợ một giáo viên vùng cao như anh không?
Quang đã hỏi Nhung như thế sau bảy năm Nhung công tác nơi này. Không hoa, không quà, cũng chẳng có những lãng mạn nơi quán cà phê góc phố. Hay những buổi chiều hai đứa đèo nhau ngắm cảnh.
Sự gần gũi của Quang đến từ chân thành, mộc mạc của một giáo viên vùng núi. Anh sinh ra từ nơi này, và anh cũng muốn trở về nơi này, cống hiến sức trẻ, tuổi xuân và những kiến thức anh học được từ giảng đường đại học cho các trò nhỏ của mình.
Sau bao nghĩ suy, Nhung cuối cùng cũng gật đầu đồng ý. Mối tình thơ mộng ngày nào đối với chàng trai xây dựng hào hoa, lãng tử thời sinh viên không còn nữa. Anh đã thẳng thắn từ chối Nhung khi thấy cô bịn rịn bản làng.
Cũng chẳng sao cả, vì nếu hai người không cùng chí hướng, chắc chắn kết cục tốt đẹp sẽ không có. Nghĩ đến ánh mắt lạnh lùng của anh khi nhìn bọn trẻ, giọng nói nhừa nhựa, khinh khỉnh khiến cô bực mình thêm. Cô quyết tâm ở lại bản cùng các em.
***
Ngày chiếc xe máy cày đón cô dâu đầu ngõ, lũ trẻ ùa ra, đứa cầm hoa, đứa cầm quà. Chúng ríu ran như chưa từng được đi dự lễ. Quang đứng trên đầu xe, cười rạng rỡ. Nhung thướt tha trong tà áo dài trắng, đội trên đầu vòng nguyệt quế - một chiếc vòng xinh xắn, cầu kì mà tập thể giáo viên nữ nhà trường cùng lũ trò nhỏ kì công làm cho cô.
Xe tành tạch đi qua những ngôi nhà sàn lụp xụp, nhọc nhằn vượt dốc, tới lễ đài là hội trường của trường học. Các thầy cô đều ở đó sẵn, chuẩn bị những mâm cỗ giản đơn, đón chào một cặp đồng nghiệp của nhà trường về chung một nhà. Thầy hiệu trưởng đứng trên sân khấu, giọng nghẹn ngào vì xúc động:
- Mừng hạnh phúc cô Nhung, thầy Quang. Vậy là trường ta lại có thêm một cặp đôi, nguyện cùng các em học trò nhỏ viết tiếp ước mơ tương lai.
Bàn tay Quang siết chặt lấy tay Nhung, truyền hơi ấm, sự tự tin cho cô. Cuối cùng, Nhung cũng đã nhận ra, chốn này, bản làng này, chính là nơi mà cô muốn gắn bó lâu dài, để được cống hiến, được sẻ chia, và được nhìn thấy những nụ cười ngây thơ, trong sáng của trẻ em vùng cao.
Tiếng lòng cô lại rộn ràng câu thơ:
… “Về Tây Bắc nơi rừng thương, núi nhớ
Rượu cần say như tình thuở ban đầu
Tuy xa lắm nhưng không hề cách trở
Như tấm lòng đôi lứa đã yêu sâu!
Về Tây Bắc, về cùng anh, em nhé!
Sống đời thường với non, nước, trời, mây…
Như cái thuở cha vừa quen với mẹ
Men trầu cay hòa lấy vị nồng vôi!”
(Về Tây Bắc mình sống những ngày vui - Trần Đức Phổ)