Mùa thu năm ấy, tôi bước sang tuổi thứ sáu, chuẩn bị vào trường tiểu học. Chiếc cặp sách là món quà mà ba mẹ tặng cho tôi. Tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy, ba mẹ dẫn tôi đến hiệu sách rất lớn trong thành phố Huế.
Trên đường đi, tưởng tượng đến ngày mình mang bộ quần áo đồng phục tiểu học cùng chiếc cặp sách mới trên vai, bước chân của tôi như được nâng bổng. Chắc tôi sẽ chững chạc lắm. Ôi, thật là thích thú! Cứ nghĩ đến đó, tôi háo hức suốt đường đi.
Ngày hôm ấy, tôi đã chọn được một chiếc cặp màu hồng nhạt, có những họa tiết hình khối ngộ nghĩnh. Bên ngoài chiếc cặp có một ngăn nhỏ để tôi có thể đựng những dụng cụ như hộp phấn, bộ chữ số.
Hai bên là hai túi lưới màu đen, đó sẽ là nơi trú ngụ của bình nước hay hộp sữa. Mở chiếc cặp ra, chao ôi, tôi thực sự thích thú. Bên trong chiếc cặp là hai ngăn lớn. Mẹ bảo một ngăn để sách, một ngăn để vở, như vậy sẽ ít bị lẫn lộn, mỗi lần lấy ra lấy vào sẽ tiện hơn.
Có vẻ như chiếc cặp đã thay mẹ dạy tôi một bài học nho nhỏ về sự ngăn nắp và gọn gàng. Ba nói với tôi rằng ba rất thích nhìn tôi đeo cặp sách vì lúc ấy ba có cảm giác tôi là một nàng công chúa bé bỏng mang trên lưng một túi sức mạnh.
Cứ thế, chiếc cặp ấy theo tôi đến trường mỗi ngày như người bạn thân thiết…
Rồi một ngày đến trường, thấy các bạn háo hức bàn tán với nhau về những nhân vật hoạt hình trên vô tuyến, tôi cũng nhập cuộc. Trong đầu tôi lúc ấy tràn ngập hình ảnh lung linh về những nàng công chúa xinh đẹp và lắm tài biến hóa.
Lớp tôi nhiều bạn đã sắm ngay cho mình những bộ thước kẻ, rồi cả bọc vở và hộp bút có in hình các nàng công chúa kiều diễm. Nhưng thứ làm tôi để ý nhiều nhất là chiếc cặp sách in hình đủ bộ những nhân vật hoạt hình mà tôi yêu thích của một cô bạn trong lớp. Tôi nhìn ngắm nó suốt tiết học.
Tôi nghĩ rằng mình phải vòi bằng được ba mẹ chiếc cặp ấy. Về nhà, tôi vứt chiếc cặp sách của mình vào góc nhà: “Con muốn có cặp sách mới!”. Ba mẹ bảo tôi rằng chiếc cặp của tôi vẫn còn dùng được, vả lại ba mẹ cũng còn phải dành tiền để sắm nhiều thứ khác cho tôi nữa.
Phản xạ tự nhiên của một đứa trẻ không có đồ mới, tôi khóc toáng lên và bỏ vào phòng. Tôi giận dữ lấy chiếc cặp bị vứt trong góc nhà ném lia lịa vào tường. Sau hôm đó, tôi giận mẹ.
Đến lớp, nhìn lũ bạn xúng xính với những đồ dùng học tập đẹp mắt, tôi càng thấy tủi thân hơn. Cho đến một buổi tối, mẹ gọi tôi vào nói chuyện. Mẹ nhẹ nhàng kể lại những kỉ niệm ngày đi mua cho tôi chiếc cặp màu hồng kia, hôm đó thời tiết thế nào, tôi háo hức ra sao, ba mẹ đã tự hào khi thấy tôi chững chạc đeo chiếc cặp….
Mẹ còn nói, nếu tôi tự đặt mình vào vị trí chiếc cặp thì thấy thế nào khi bị ném, bị đối xử tệ hại…. Mẹ bảo có thể trong lúc tôi ngủ, chiếc cặp nằm trong góc đã khóc và buồn như thế nào…
Tưởng tượng đến cảnh tượng buồn bã và cô đơn của chiếc cặp, tôi thấy một nỗi buồn chạy vụt qua, và tôi bật khóc. Tôi nhận ra mình đã sai và chạy vào góc nhà, ôm chầm lấy chiếc cặp như ôm một người bạn lâu ngày bị lãng quên.
Tôi không còn giận mẹ nữa, cũng không còn đòi chiếc cặp mới. Tôi cùng mẹ giặt sạch chiếc cặp cũ. Chiếc cặp màu hồng được phơi trong nắng lại tươi mới. Màu vàng nhẹ của nắng mùa thu, mùi tươi mới của những ngăn cặp lại kéo tôi trở về những ngày đầu tiên đi học.
Ngày ấy, tôi và người bạn áo hồng luôn trên vai đã vui vẻ và thân thiết biết nhường nào. Câu chuyện về những ngày tuổi thơ vụng dại rồi cũng được cất vào trong những ngăn cặp.
Chiếc cặp màu hồng đã theo tôi suốt những năm học tiểu học, nó đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. Sắp qua một sự trưởng thành mới, tôi để chiếc cặp ngủ yên theo những kỉ niệm vui buồn.
Cảm ơn bạn của tôi nhiều lắm! Tôi đã học được bài học về sự trân trọng những điều mình đã và đang có. Anh chàng Woody trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney “Câu chuyện đồ chơi” trở nên đặc biệt hơn những món đồ chơi khác bởi vì cậu ấy luôn ở bên, theo dõi và không rời bỏ cậu chủ Andy cho dù có chuyện gì xảy ra. Tôi tin mình cũng tìm được một Woody cho riêng tôi, chiếc cặp nâu hồng thân yêu ấy!