Chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích...

GD&TĐ - Thời gian qua, đã có nhiều vướng mắc, bất cập do các yếu tố khách quan, chủ quan xảy ra tại các dự án BOT trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phát biểu tại cuộc họp với các bộ, cơ quan, địa phương về phương án dự kiến đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai các dự án này phải trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Cụ thể, các tuyến cao tốc này sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), kết hợp nguồn vốn Trung ương, địa phương và doanh nghiệp theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến, tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài khoảng 88km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Ninh Bình dài 26km, dự kiến giao tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư.

Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Nam Định, Thái Bình dài 62km dự kiến giao tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án. Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài gần 129km, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây, dự kiến giao UBND tỉnh Bình Phước.

Về sự cần thiết phải đầu tư các tuyến cao tốc này, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là bởi chúng ta đã và đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định mục tiêu, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành 6 Nghị quyết cho 6 vùng kinh tế - xã hội bao gồm vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó xác định rõ các tuyến đường cao tốc phải làm. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng 2 tuyến cao tốc này là rất cần thiết, theo tinh thần đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm.

Thực tế, việc đầu tư 2 tuyến cao tốc này có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, tạo động lực, không gian và mở ra sự phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương, nhất là các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Bình Phước.

Đây là những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển còn nhiều khó khăn, hạn chế do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu đường cao tốc kết nối.

Đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương. Vậy nhưng trên thực tế, không phải lúc nào cũng “suôn sẻ”.

Cụ thể, thời gian qua, đã có nhiều vướng mắc, bất cập do cả các yếu tố khách quan và chủ quan xảy ra tại các dự án BOT trong lĩnh vực này. Đã có thời điểm, cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải phải đưa ra phương án Nhà nước mua lại một số dự án bởi các lý do như chưa có giải pháp để giải quyết các bất cập, vượt thẩm quyền.

Nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng chưa được thu phí, đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân khách quan, không thể lường trước hoặc do thay đổi chính sách từ phía cơ quan Nhà nước...

Vậy nên, những vướng mắc tại các dự án BOT giao thông từng diễn ra là “dữ liệu” quan trọng để các cơ quan chức năng “tham khảo” nhằm hạn chế tối đa các vướng mắc trong quá trình xây dựng cũng như vận hành, chuyển giao các công trình, dự án giao thông theo bất kỳ hình thức nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ