Thay đổi một chút về cách học và giải
Nếu như trước đây, thí sinh cần nắm thật chắc kiến thức và học cách trình bày theo các bước cho đúng trình tự thì bây giờ yêu cầu thêm nữa đó là phải học kiến thức rộng hơn. Tùy mỗi môn sẽ có những đặc thù khác nhau, nhưng trên cơ sở phải nắm kiến thức và biết vận dụng.
Ở bài thi trắc nghiệm thường sẽ là những bài yêu cầu giải nhanh và không quá rườm rà, yêu cầu kiến thức rộng và bao quát hơn. Nếu như các em đang theo phương pháp "chậm và chắc" thì phải đổi ngay từ "chậm” thành "nhanh". Giải nhanh chính là chìa khóa để bạn có được điểm cao ở môn trắc nghiệm. Với các bài thi nặng về lí thuyết thì sẽ yêu cầu ghi nhớ nhiều hơn, thí sinh nên chú trọng phần liên hệ vì đó là xu hướng học cũng như ra đề của Bộ GD&ĐT.
Tìm được từ "khóa" trong câu hỏi
Từ chìa khóa hay còn gọi là "key" trong mỗi câu hỏi chính là mấu chốt để các em giải quyết vấn đề. Mỗi khi đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên là phải tìm được từ chìa khóa nằm ở đâu. Điều đó giúp các em định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy. Đây được xem là cách để thí sinh giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.
Ảnh minh họa/internet |
Tự trả lời trước, đọc đáp án sau
Cho dù bài thi môn Toán hay bài thi Khoa học xã hội thì các em nên áp dụng cách thức tự đưa ra câu trả lời trước khi đọc đáp án ở đề thi. Điều này đặc biệt xảy ra ở các bài thi liên quan đến môn Lịch sử và Địa lí, khi mà các đáp án thường "na ná" nhau khiến thí sinh dễ bị rối.
Sau khi đọc xong câu hỏi, các em nên tự trả lời rồi đọc tiếp phần đáp án xem có phương án nào giống với câu trả lời mình đưa ra hay không. Chớ vội đọc ngay đáp án vì như thế các em rất dễ bị phân tâm nếu như kiến thức của mình không thực sự chắc chắn.
Dùng phương pháp loại trừ
Một khi các em không có cho mình một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu giúp tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung.
Tuy nhiên vẫn có cơ sở để thí sinh dùng phuơng án loại trừ bằng "mẹo" của mình cộng thêm chút may mắn nữa. Thay vì đi tìm đáp án đúng, các em hãy thử tìm phương án sai đó cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.
Khi không còn đủ cơ sở để loại trừ nữa thì hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời... đó là cách cuối cùng dành cho bạn.
Phân bổ thời gian và nhớ không được bỏ trống đáp án
Việc đầu tiên là đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào mình biết rồi thì nên khoanh ngay đáp án vào phiếu trả lời (Lưu ý: Dùng bút chì để có thể sửa đáp án nếu cần thiết). Sau khi làm hết nhũng câu hỏi "trúng tủ" của mình thì chọn những câu hỏi đơn giản làm trước, vì bài thi trắc nghiệm các câu hỏi đều có thang điểm như nhau chứ không giống như bài thi tự luận.
Chính vi vậy câu hỏi khó hay dễ cũng đều có chung phổ điểm, nên các em hãy làm câu dễ trước để đảm bảo đạt tối đa số điểm. Chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào, nếu không biết đáp án thì hãy dùng phỏng đoán hay kể cả may mắn cũng được, điều bạn cần là không được để trống đáp án, đó cũng là một cơ hội dành cho bạn.
Trăm hay không bằng tay quen
Trước sự thay đổi, hay nói cách khác là một cách thức thi mới, thì điều tất yếu là các em buộc phải tập làm quen với nó. Không ai tài giỏi để có thể thích ứng ngay với cái mới, điều này cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm, các bài thi cũng vậy, thiết nghĩ ngay từ bây giờ các em nên giải nhiều đề thi trắc nghiệm hơn, tập dần với các câu hỏi trắc nghiệm như thế. Các em sẽ tìm được nhũng lỗi mà mình thuờng gặp phải cũng như tìm được một phương pháp giải tối ưu cho bài trắc nghiệm.