Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KTQD, cho biết, Hội thảo là diễn đàn học thuật và thực tiễn cho các học giả, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên viên, và học viên của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các trường đại học trong nước và quốc tế trình bày những nghiên cứu, thảo luận và trao đổi về thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cho các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Đứng trước những động lực thúc đẩy thay đổi như sự phổ cập giáo dục đại học, xu hướng “dịch chuyển toàn cầu”, cạnh tranh về thị trường và nguồn vốn ngân sách, các trường đại học đang chuyển đổi theo hướng trở thành những trường đại học quốc tế hóa.
Các trường đại học trên thế giới đều tập trung phát triển quan hệ đối tác để giảm rủi ro, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế và danh tiếng, và mở rộng cơ sở tri thức phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu vàkết nối doanh nghiệp. Các hoạt động hợp tác quốc tế của các trường đại học được mở rộng về phạm vi, số lượng và loại hình trong thập niên qua, trong đó phát triển các chương trình liên kết đào tạo quốc tế là một trong những mô hình hợp tác phổ biến hiện nay.
Những mục tiêu cụ thể của Hội thảo như: xây dựng mạng lưới cho các nhà quản lý của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu quan tâm đến những vấn đề liên quan đến chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; xây dựng tư duy gắn với chất lượng và hiệu quả cho các nhà quản lý giáo dục đại học các cấp; chia sẻ những nghiên cứu thực tế, những kinh nghiệm và phương pháp được áp dụng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại trong và ngoài nước…
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà lãnh đạo các trường Đại học, các nhà quản lý các chương trình liên kết đào tạo, các nhà nghiên cứu và các giảng viên tới từ rất nhiều trường đại học ở Việt Nam và từ Mỹ, Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết công phu, đóng góp ở nhiều chủ để đa dạng như quốc tế hóa giáo dục đại học, tự chủ giáo dục đại học, đảm bảo chất lượng đào tạo, liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, áp dụng công nghệ trực tuyến cho liên kết đào tạo quốc tế…