Chìa khóa thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học

GD&TĐ - Hoạt động khoa học - công nghệ trong trường đại học thời gian qua đã có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, thách thức đối với hoạt động này cần có chính sách tháo gỡ.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội nghiên cứu khoa học.

Thuận lợi trong hoạt động khoa học công nghệ đến từ định hướng, chiến lược của nhà trường

Chia sẻ về những thuận lợi đối với việc phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học nói chung, với Trường ĐH Mở Hà Nội nói riêng, PGS. TS Phạm Thị Tâm, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại, Trường ĐH Mở Hà Nội, cho biết: Chủ trương, chỉ đạo của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã xác định: “Cùng với giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Các chính sách của Nhà nước, của ngành Giáo dục về phát triển khoa học công nghệ đã tạo môi trường để nhà khoa học của các trường đại học có cơ hội triển khai các ý tưởng có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Một số chính sách có thể nói đến như: Nghị định 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; cơ chế tự chủ trong các trường đại học; chính sách hỗ trợ người học (Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học); các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được tổ chức...

Cùng chính sách chung, với Trường ĐH Mở Hà Nội, thuận lợi trong hoạt động khoa học công nghệ còn đến từ định hướng, chiến lược của nhà trường; sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đối ngoại và Tạp chí khoa học. Ngoài ra còn là thuận lợi về cơ chế tài chính, các yêu cầu đảm bảo chất lượng, đánh giá, xếp hạng đại học.

Nhờ những thuận lợi này, PGS. TS Phạm Thị Tâm cho biết, Trường ĐH Mở Hà Nội đã đạt được các kết quả khoa học nổi bật. Tiêu biểu có thể nói đến đề tài Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” do TS. Trương Tiến Tùng làm chủ nhiệm đề tài.

Cùng với đó là đề tài “Nghiên cứu, phát triển hệ thống hỗ trợ giám sát và đánh giá quá trình học tập của người học trên hệ thống đào tạo trực tuyến dựa trên nhận dạng biểu cảm khuôn mặt” do TS. Dương Thăng Long là chủ nhiệm. Đề tài “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học của Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Mai Hương là chủ nhiệm đề tài…

Trường ĐH Mở Hà Nội kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, biểu dương thành tích nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022.

Trường ĐH Mở Hà Nội kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, biểu dương thành tích nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022.

Cần chính sách tạo thuận lợi hơn cho người làm khoa học

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, PGS. TS Phạm Thị Tâm cũng chia sẻ một số khó khăn, thách thức đối với việc phát triển khoa học và công nghệ của Trường.

Theo đó, khó khăn khách quan là việc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và nước ngoài diễn ra gay gắt. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tạo nên những rào cản trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ. Thủ tục, quy trình quản lý khoa học và công nghệ chưa tạo thuận lợi cho người làm khoa học.

Về chủ quan, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học của nhà trường còn hạn chế; đặc biệt để phục vụ cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu liên ngành. Một bộ phận cán bộ, giảng viên chưa thực sự nhiệt tình trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Về tài chính, chi cho hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu dựa vào nguồn học phí của trường. Khả năng kêu gọi các nguồn kinh phí khác cho hoạt động khoa học công nghệ còn hạn chế.

“Để hoạt động khoa học công nghệ của các đơn vị ngày càng phát triển, Trường Đại học Mở Hà Nội có một số kiến nghị đề xuất. Trước hết là xây dựng cơ chế liên kết các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, phòng thí nghiệm chuyên ngành, nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu liên ngành, liên vùng.

Đồng thời, sửa đổi Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học để tạo sự chủ động cho người làm khoa học, đồng thời tang cường lợi thế của hợp tác quốc tế, thu hút các chuyên gia nước ngoài trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ” - PGS. TS Phạm Thị Tâm chia sẻ.

Cũng chia sẻ những khó khăn với hoạt động khoa học công nghệ trong trường đại học, PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: Đã có những vấn đề được đề xuất như cơ chế đặt hàng các nhà khoa học, đầu tư cho các phòng thí nghiệm, chế độ đãi ngộ trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho nhà trường phối hợp với doanh nghiệp... Tuy nhiên, để thực hiện cần có sự chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp giữa bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.