Cần cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học - công nghệ

GD&TĐ - Các trường ĐH đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng lực lượng lao động của các cơ sở tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại doanh nghiệp.

Nhận diện "điểm nghẽn"

PGS. TS Nguyễn Đình Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng: “Một trong những khó khăn của công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường ĐH là kinh phí đầu tư của nhà nước, nếu có, chỉ tập trung vào đầu tư thiết bị; không có, hoặc không đồng bộ với chi phí cần thiết cho duy tu, bảo dưỡng. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản và các nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng không tương xứng”.

Theo nhận xét của PGS. TS Nguyễn Đình Lâm thì nhà nước đang tập trung nhiều cho nghiên cứu cơ bản nên đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững không đạt. Thêm vào đó, việc quản lý mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học giống như quản lý mua sắm cơ sở vật chất. Thủ tục thanh quyết toán phức tạp đã không khuyến khích được giảng viên có trình độ cao thực hiện nghiên cứu khoa học.

Tọa đàm khoa học Quốc gia với chủ đề “Tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp khu vực miền Trung” do Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp cùng Trường Đại học Nha Trang và Hội khoa học Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức
Tọa đàm khoa học Quốc gia với chủ đề “Tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp khu vực miền Trung” do Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng phối hợp cùng Trường Đại học Nha Trang và Hội khoa học Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức
"Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp chưa được sử dụng để đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Luật cho phép doanh nghiệp dành tối đa 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, nguồn thu không đáng kể. Chưa hết, 100% số tiền đó vẫn được sử dụng và thanh quyết toán như tiền ngân sách nhà nước, tức là phải có hóa đơn, tổ chức đấu thầu, chi tiêu theo định mức…" - PGS. TS Võ Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nhận xét.

Cũng có cùng nhận xét như vậy, PGS. TS Võ Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng: "Việc giải ngân, quyết toán và thanh lý còn gắn liền với những quy định cứng nhắc, qua nhiều cấp trung gian. Chẳng hạn, thanh lý đề tài vì lý do “khách quan” hoặc “chủ quan”. Trong chừng mực nào đó, hai phạm trù này không thể phân biệt rạch ròi. Điều này đôi khi không phù hợp với thực tế là có những đề tài kéo dài nhiều năm do ảnh hưởng bởi nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, việc phê duyệt định mức giống như “cào bằng”. Đáng lẽ phải tùy thuộc vào đặc thù của lĩnh vực, ngành, khu vực, nhưng thực tế chúng ta lại áp dụng cứng nhắc".

Ngoài ra, theo PGS. TS Võ Thúy Anh, cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, các cơ quan và địa phương không có chức năng nghiên cứu nhưng lại được phân bổ rất nhiều chương trình, đề tài, nhiệm vụ… và kèm theo đó là nguồn kinh phí lớn; trong khi đó các tổ chức khoa học công nghệ lại được rót nhỏ giọt, đôi khi giống kiểu “làm thuê” cho các tổ chức và địa phương nói trên.

PGS. TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, cần có cơ chế quản lý và nghiệm thu đề tài theo sản phẩm đăng ký để đơn giản các thủ tục mua sắm thiết bị, nghiệm thu để động viên, khuyến khích các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học có trình độ cao, tham gia các đề tài NCKH. “Cần phải đảm bảo sự minh bạch trong sử dụng kinh phí NCKH, trả tiền công lao động, mua sắm trang thiết bị, vật tư thông qua chuyển khoản hoặc qua tài khoản của cơ quan” – PGS. TS Đoàn Quang Vinh đề xuất.

Cho dù cơ chế tài chính có thay đổi, nhưng vẫn theo mô hình quản lý hành chính đối với khoa học nên rất khó thực hiện, gây cản trở các nhà khoa học tập trung sáng tạo

Cần đẩy mạnh khoán theo sản phẩm cuối cùng

Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã tăng số lần xét tuyển đề tài cấp cơ sở từ 1 lần/năm lên 2 lần/năm để có thể tuyển chọn đề tài đáp ứng tốt hơn. Nhà trường cũng xét duyệt kinh phí thực hiện đề tài dựa vào sản phẩm khoa học đăng ký. Các đề tài có sản phẩm ứng dụng cần phải nộp đơn sở hữu trí tuệ như là sản phẩm đề tài, nhà trường bổ sung kinh phí này trong kinh phí của đề tài. 

Lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng. Dự án này có sự kết hợp giữa Fujikin và Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong việc hợp tác nghiên cứu, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng. Dự án này có sự kết hợp giữa Fujikin và Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trong việc hợp tác nghiên cứu, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, suy cho cùng thì mục tiêu của trường ĐH là đào tạo, NCKH tạo ra nhiều giá trị đóng góp để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài NCKH công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường ĐH cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Một kênh khác nữa là tạo điều kiện, cơ chế cho SV tham gia NCKH, thực tế cho thấy, hầu hết các đề tài, sản phẩm NCKH của SV đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, thậm chí được các doanh nghiệp đặt hàng.

Robot vận chuyển thức ăn phục vụ người cách ly vì dịch Covid–19 của thầy, trò Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được tri ân “Tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa và bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng tại buổi Lễ bàn giao Robot BK-ANTICOVID vào tháng 3/2020.
Robot vận chuyển thức ăn phục vụ người cách ly vì dịch Covid–19 của thầy, trò Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được tri ân “Tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa và bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng tại buổi Lễ bàn giao Robot BK-ANTICOVID vào tháng 3/2020.

Chủ trương kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng góp phần phát triển kinh tế vùng và các địa phương của ĐH Đà Nẵng đã góp phần tăng tính ứng dụng trong NCKH. ĐH Đà Nẵng hiện đã ký kết hợp tác với một số địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam. ĐH Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là một cầu nối cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của địa phương đến các giảng viên, cán bộ khoa học. "Ban Khoa học và Ban Công tác SV đang triển khai xây dựng trang thông tin cơ sở dữ liệu về yêu cầu của các địa phương, các doanh nghiệp về nhu cầu nghiên cứu để giảng viên, SV có thể lựa chọn xây dựng đề tài nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp sẽ là hội đồng xét duyệt đề tài có phù hợp hay không” – PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ nêu ví dụ. 

PGS. TS Võ Thúy Anh đề xuất, Luật Khoa học & Công nghệ cần quy định rõ yêu cầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với các chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các doanh nghiệp lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ